Nếu chỉ cốt mong khai mở được Tâm địa, xé thủng lưới Vô minh, ra khỏi sông Ái dục mà làm Phật làm Tổ thì gọi là Tự Lực. Đây là những bậc Long tượng của Tông môn, Đại trượng phu trong Phật pháp. Những người đó, là những bậc Đại Bồ tát, Thanh văn, bậc đại Tổ sư trong thời Phật tại thế hay thời kỳ Chánh pháp. Trong thời Tượng pháp, Mạt pháp, căn khí chúng sanh ngày càng hạ liệt, có người tu nhưng không liễu ngộ, hoặc có liễu ngộ nhưng không sâu xa. Quán chiếu tự tâm tựa hồ giải thoát, nhưng khi đối cảnh lại vẫn hoàn mê.
Dẫu có không mê thì cũng chẳng khác nào đồ gốm chưa nung. Bồ tát còn mê khi cách ấm, Sơ quả còn muội lúc thập thai, thì Bác địa phàm phu hèn gì không trôi theo dòng Nghiệp. Đó là tự lực nhưng nào có ích chi, xuất trần nhưng làm gì có xuất. Một sai lầm thì muôn ngàn sai lầm, thật là ớn lạnh!
Thế nên, chư Phật, Bồ tát mới lập bày phương tiện, thi thiết ra pháp môn nương nhờ tha lực. Đối với pháp môn này, kinh luận diễn thuyết cũng nhiều, bao phen dặn đi dặn lại, hết lời tán thán ngợi khen. Tổ tổ hoằng dương, người người sùng phụng. Chỉ có một môn Niệm Phật cầu sanh Tây phương mới là cứu cánh. Mỗi lời mỗi lời đều xiển dương Duy tâm Tịnh độ, từng câu từng câu đều diễn thuyết Bổn tánh Di đà. Kẻ ngộ thì liễu ngộ tâm chúng sanh, tâm Phật hoàn toàn bình đẳng; tâm độ Phật đạo nào có khác đâu. Người tu thì đạt được Diệu quán và Diệu cảnh khế nhau, Tự lực và Tha lực cùng có. Huống gì là Công đức tự lực vốn có. Tánh cụ từ vô thỉ nhân đây mà rõ ràng, công đức từ muôn đời nhờ đây mà đốn phát. Cho nên mãn báo Ta bà thì Tịnh độ hiện tiền, hóa sanh trong hoa sen mà không mê trong sanh ấm. Một nhập thì vĩnh viễn nhập, chẳng bao giờ còn thối chuyển. Vì vậy mà những người vãng sanh đều là A bệ bạt trí, đông không kể xiết. So với sự nhập đạo ở Ta bà, thì trong cõi này cảnh trần thô thô trược, ác đảo hiểm nạn ở đâu cũng có, nên cố nhiên không như cõi Cực Lạc. Thế nhưng, nói không khó, thực hành mới khó. Đây chính là chỗ người xưa chỉ dạy, người nay nên theo. Dương Thứ Công nói rằng: “Ái không nặng thì không sanh Ta bà, niệm không nhất thì không sanh Cực Lạc”.
Phàm niệm Phật chính là làm cho cái tâm của mình chuyên nhất. Cần phải khẩn thiết trì danh, chuyên tâm bất loạn. Còn như có chí nguyện mà không thường niệm, niệm nhưng không chuyên nhất, thì chẳng khác nào bị tình ái dẫn đi. Hễ làm cho tâm ái nhẹ đi tức là loại trừ được vọng tưởng, chặt đứt được tình căn, thoát ra khỏi lưới Ái. Còn như niệm không nhưng không thể quên, quên nhưng không quên hết, thì chẳng khác nào tâm không được chuyên nhất. Ta bà còn một niệm Ái nặng, thì khi lâm chung bị niệm Ái này dẫn dắt, huống gì là nhiều tâm Ái ư? Cực Lạc còn một niệm không chuyên nhất, thì khi lâm chung bị niệm này lưu chuyển, huống gì còn nhiều niệm ư?
Ái có nhẹ, có nặng, có mỏng, có dày, có chánh báo, có y báo. Đơn cử trước mắt như: Cha mẹ, vợ con, anh em bè bạn, công danh phú quý, văn chương thi phú, đạo thuật nghề nghiệp, ăn uống, áo quần, nhà cửa vường ruộng, suối rừng hoa cỏ, của cải bạc vàng, nhiều không kể xiết. Hễ còn nhớ nghĩ một vật tức là còn tâm Ái tức niệm không chuyên nhất. Hễ còn một niệm không chuyên nhất thì không được vãng sanh. Ôi! Hai câu “Ái không nặng thì không sanh Tà bà, niệm không nhất thì không sanh Cực Lạc” thật là kim vàng chữa bịnh mờ mắt, là Thánh dược trị bịnh nan y. Nhưng người có chí nguyện cầu sanh Cực Lạc, nên viết trên vách, khắc trong xương, ngày ngày cung kính đọc tụng, niệm niệm cần phải khắc ghi. Ái của Ta bà ngày càng nhẹ, niệm của Cực Lạc ngày một chuyên, thì đó lại đã nhẹ lại càng nhẹ hơn để đạt đến vô niệm; đã chuyên nhất lại càng chuyên nhất để đạt dân đến chỗ cùng tột. Dù chưa ra khỏi Uế độ nhưng không phải là khách ở mãi trong Ta bà, tuy chưa sanh trong Bảo sở nhưng đã là tân khách ở Cực Lạc. Lâm chung chánh niệm hiện tiền thì chắc chắn vãng sanh Cực Lạc.
Có người hỏi rằng: Phải chăng là làm cho Ái được nhẹ?
Đáp: Làm cho Ái được nhẹ đâu bằng làm cho niệm chuyên nhất.
Hỏi: Vậy thì làm cho niệm chuyên nhất là đúng ư?
Đáp: Làm cho niệm chuyên nhất đâu bằng làm cho Ái được nhẹ.
Có người mỉa mai rằng: Sư nói kiểu chuột có hai đầu, người học không biết phải theo đầu nào mới đúng đây.
Sư đáp: Đó không phải là hai đầu, mà muốn nói đến Nhất niệm. Bởi vì, sở dĩ niệm không chuyên nhất là do tán tâm chạy theo duyên mà ra. Tán tâm chạy theo duyên là do loạn tưởng chạy theo cảnh mà có. Ta bà có một cảnh thì chúng sanh có một tâm, chúng sanh có một tâm thì Ta bà có một cảnh. Muôn duyên náo động bên trong nên dong duổi tìm cầu ở bên ngoài. Tâm và cảnh theo nhau, thì Ái giống như trần sa. Cho nên muốn làm nhẹ tâm Ái đó thì gì bằng đoạn cái tâm duyên theo cảnh đó. Muôn cảnh đều định, vạn duyên đều tịnh thì Nhất niệm tự thành. Nhất niệm mà thành thì Ái duyên đều đứt. Cho nên nói: “Muốn làm chuyên nhất cái niệm của mình thì không gì hơn làm nhẹ cái tâm Ái của mình. Muốn làm nhẹ tâm Ái của mình thì không gì hơn làm chuyên nhất cái niệm. Cái thế của Ái và Niệm không cùng tồn tại, giống như tướng sáng và tối đối nghịch nhau”.
Có người hỏi: Bít lấp muôn cảnh có đúng chăng?
Đáp: Ta nói bít lấp muôn cảnh là không phải ngăn trừ vạn hữu, cũng không phải là nhắm mắt không nhìn, mà chính là gặp cảnh thì phải liễu tri rằng nó rỗng không, gặp gốc thì phải thấu triệt được ngọn.
Vạn pháp vốn chẳng tự có, sở dĩ có là do tình chấp. Cho nên tình có thì vật có, tình không thì vật không. Một khi vạn pháp rỗng không thì bản tánh hiện tiền. Bản tánh hiện tiền thì tình niệm liền dứt. Nó vốn tự nhiên như vậy chứ không hề miễn cưỡng. Kinh Lăng Nghiêm gọi đó là Cái thấy và cảnh bị thất đều là tướng vọng tưởng, như hoa đốm giữa hư không, vốn không thật có. Cái thấy và cảnh bị thấy này nguyên là thể giác ngộ nhiệm mầu thanh tịnh sáng suốt. Như vậy thì tại sao trong đó lại có phải có quấy? Do đó, muốn bít lấp cảnh này thì không gì hơn liễu đạt được vật lớn rỗng không thì tình chấp tự dứt. Tình chấp mà dứt thì Ái chấp không sanh, mà đó chỉ là do tâm hiện, và niệm chuyên nhất được thành tựu.
Trong Kinh Viên Giác chép: “Biết huyễn liền lìa, chẳng bày phương tiện, lìa huyễn tức giác, vốn chẳng thử lớp. Cái này mất đi, cái kia tồn tại, không thể suy lường, hiệu nghiệm mau chóng, giống như đánh trống”. Vì vậy người học cần nên dốc tâm nghiên cứu.
Lại hỏi: Làm nhẹ tâm Ái và làm cho niệm chuyên nhất giống nhau hay khác nhau?
Đáp: Có thể làm nhẹ tâm Ái cõi Ta bà nhưng chưa chắc đã có thể làm chuyên nhất niệm ở Cực Lạc. Có thể làm chuyên nhất niệm ở Cực Lạc tất có thể làm nhẹ tâm Ái ở Ta bà. Đây là đứng giữa có chí nguyện và không chí nguyện mà nói như vậy. Chứ thật ra tâm Ái nếu không phải Nhất niệm thì không thể quên. Niệm nếu chẳng phải quên Ái thì không chuyên nhất. Vì vậy phương pháp hành trì hỗ tương cho nhau không hề gián đoạn.
Lại hỏi: Như làm nhẹ tâm Ái thì được rồi, còn làm cho niệm chuyên nhất thì sao?
Đáp: Phương pháp làm cho niệm chuyên nhất có ba, đó là Tín, Hạnh và Nguyện. Không nghi ngờ gọi là Tín. Nếu còn một nghi ngờ thì tâm không thể nào chuyên nhất được. Do đó khi cầu sanh Tịnh Độ, thì tâm thuần tín đứng đầu. Thế nên hành giả cần phải tụng khắp Kinh điển Đại thừa, học rộng giáo môn như Tổ. Hễ gặp những kinh sách luận về Tịnh độ, đều phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Liễu đạt được Cực Lạc nguyên là Tịnh Độ duy tâm của chính mình chứ không phải ở cõi khác. Thấu triệt được Di đà nguyên là chân thân Phật của chính bản tánh chúng ta chứ không phải Đức Phật nào khác. Tóm lại có hai ý, một là liễu ngộ được Diệu Hữu châu biến cùng khắp đê là cội gốc cho việc ưa thích cõi Tịnh; hai là liễu ngộ được Chơn Không lìa xa tất cả là nền tảng cho việc xả bỏ cõi Uế.
Thuần tính giống như con mắt để nhìn, tu hành giống như đôi chân để đi. Tính mà không hạnh, cũng như có mắt mà không có chân. Hạnh mà không có Tín, cũng như có chân mà không có mắt. Cho nên khi có Tín giải đầy đủ, cần phải niệm Phật tu hành, giống như có đủ mắt và chân thì mới có thể đến được Cực Lạc. Hạnh môn có hai, đó là Chánh hạnh và Trợ hạnh.
Chánh hạnh lại có hai:
1. Xưng danh: Như trong Kinh Tiêu Bản Di đà nói đến Thất nhật trì danh, Nhất tâm bất loạn, có cả Sự nhất tâm và Lý nhất tâm. Nếu miệng xưng niệm danh hiệu Phật, buộc tâm bất loạn, giả sử tâm duyên theo ngoại cảnh, thì phải nhiếp tâm về lại với câu niệm Phật. Chỗ này cần phát sinh tâm quyết định mới thành. Dứt trừ niệm vọng đời sau, vứt bỏ hết việc đời, buông bỏ các tâm duyên, khiến cho tâm niệm dần dần tăng trưởng. Từ dần dần cho đến lâu ngày, từ ít mà trở thành nhiều, từ một ngày hai ngày cho đến bảy ngày, đến khi nào Nhất tâm bất loạn mới thôi. Đây chính là sự nhất tâm.
Nếu được như vậy rồi, tức là Tịnh nhân của Cực Lạc đã thành tựu. Lúc sắp mạng chung nhất định có chánh niệm, thân không có bịnh khổ, không bị ác nghiệt trói buộc, biết trước giờ chết, thân tâm hoan hỷ, an nhiên mà đi, ngồi thẳng mà mất. Lại đích thân thấy Phật Di đà phóng quan tiếp dẫn, tất sanh về Tịnh Độ. Lý nhất tâm cũng chẳng có gì khác cả, chỉ có điều trong Sự nhất tâm, niệm niệm đều liễu đạt được Tâm năng niệm, Phật sở niệm, ba đời đều bình đẳng, mười phương đều hỗ dung, chẳng phải không, chẳng phải có, chẳng phải tự, chẳng phải tha, không đến không đi, không sanh không diệt. Tâm của một niệm hiện tiền chính là Tịnh Độ của vị lai. Niệm mà chẳng niệm, chẳng là niệm mà niệm. Vô sanh nhưng mà sanh, sanh nhưng mà vô sanh. Ngay trong chỗ không thể niệm đó nhưng dõng mãnh cầu sanh. Đó là trong Sự nhất tâm lại hiển bày Lý nhất tâm.
2. Quán tưởng: Như trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật có nói rất đầy đủ 16 cảnh Sở quán. Quan trọng nhất trong pháp quán Phật đó chính là quán Phật Di đà thân cao một trượng sáu, toàn thân có màu Tử mà kim bao phủ, đứng trên hoa sen duỗi tay để tiếp dẫn. Thân ngài có 32 tướng của đại nhân, mỗi tướng có 80 vẻ đẹp tùy hình. Quán tượng như vậy cũng có Tưởng và có Lý. Sự quán thì buộc tâm theo Phật. Trước tiên quán dưới chân Phật bằng phẳng như đáy chậu, kế đến quán tướng ngàn nan hoa dưới lòng bàn chân. Như vậy mà lần lượt quán ngược lên đến tướng nhục kế trên đỉnh đầu. Lại từ tướng nhục kế mà quán xuống đến tướng bằng phảng dưới lòng bàn chân. Trong lúc quán phải phân minh rõ ràng không được tán tâm.
Còn như Lý quán, trong kinh chép: Chư Phật Như Lai là pháp giới thân, thể nhập trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh. Cho nên lúc tâm tưởng đến Phật, thì tâm tức là 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Khi tâm tác quán Phật thì tâm ấy là Phật. Nghĩa lý này có nói rõ trong “Vi Diệu Tam Quán”. Như trong Quán Kinh Sớ Diệu Tông Sao nói rằng: Hai thứ chánh hạnh này phải ngay trên tướng mà tiến tu. Trong lúc đi đứng nằm ngồi phải nhất tâm xưng niệm danh hiệu. Trong lúc ngồi kiết già phải tâm tâm tác quán. Đi mệt thì ngồi kiết già mà quán Phật, ngồi xong lại đi kinh hành mà xưng niệm. Nếu trong bốn oai nghi tu hành không gián đoạn, thì nhất định được vãng sanh.
Trợ hạnh cũng có hai:
Hạnh của thế gian: Như hiếu thuận với cha mẹ, làm những viêc nhân từ, tâm từ không sát hại, giữ gìn các giới cấm, tất cả các việc làm lợi ích đó, nếu đem hồi hướng về Tây phương Tịnh Độ, thì đố đều là nhân hạnh trợ giúp cho đạo quả.
Hạnh xuất thế gian: Như lục độ vạn hạnh, vô số các công đức khác, đọc tụng kinh Đại thừa, tu tập các sám pháp, cũng cần phải dùng tâm hồi hướng để trợ tu, thì đó đều là nhân hạnh của Tịnh Độ.
Lại có một thứ trợ hạnh vi diệu nữa, đó là: Ngay trong lúc phan duyên theo ngoại cảnh, ở bất cứ nới nào cũng phải dụng tâm. Như gặp quyến thuộc, phải tác quán đó là pháp quyến của Tây phương, dùng pháp môn Tịnh Độ mà khai hóa, dẫn dắt họ, khiến cho tâm Ái nhẹ đi, niệm được chuyên nhất. Họ mãi mãi là quyến thuộc Vô sanh trong tương lai.
Nếu lúc khởi tâm ân ái, thì phải nhớ nghĩ rằng quyến thuộc của Tịnh Độ không có tình ái, đâu phải đến lúc vãng sanh Tịnh Độ mới xa lìa ân ái này?
Nếu lúc khởi tâm sân hận, thì phải nhớ nghĩ rằng quyến thuộc của Tịnh Độ không có chỗ nào, đâu phải đến lúc vãng sanh Tịnh Độ mới lìa tâm sân hận này?
Nếu lúc chịu khổ, phải nhớ nghĩ rằng Tịnh Độ không có các thứ khổ, chỉ có an vui; khi được an vui phải nhớ nghĩ rằng sự an ủi trong cõi Tịnh Độ không thể tính kể, không có đối đãi.
Lúc phan duyên theo ngoại cảnh đều dùng những tâm niệm tương tợ như vậy tùy cảnh mà tác quán, thì bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu cũng đều là trợ hạnh của Tịnh Độ.
Thứ ba là Nguyện. Con thuyền Tịnh độ cần phải dùng Tín làm bánh lái, Hạnh làm cột buồm mái chèo, Nguyện làm cánh buồm đón gió. Nếu không có bánh lái thì không thể điều khiển con thuyền đi đúng hướng. Nếu không có cột buồm mái chèo, thì thuyền không thể chuyển động. Nếu không có cánh buồm đón gió thì thuyền không thể cỡi sóng lướt tới. Cho nên sau Hạnh phải nói đến Nguyện.
Nguyện có chung, riêng, rộng, hẹp, có cùng khắp, có hạn cuộc. Chung, chẳng hạn như Cổ đức lập ra lời văn nguyện riêng. Rộng, như bốn hoằng thệ nguyện, trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Hẹp, như mỗi người tự lượng sức mình mà quyết chí vãng sanh. Hạn cuộc, như tụng theo thời khóa, theo chúng mà phát nguyện. Cùng khắp, thì lúc nào cũng phát nguyện, ở đâu cũng phát tâm, nhưng cần phải tương ứng với bốn hoằng thệ nguyện, không được tự ý tự chuyên mà vọng lặp ra. Nhìn chung các nguyện được phát ra, thì riêng thù thắng hơn chung. Bởi vì phát nguyện của người khác. Còn phát nguyện riêng thì tự mình phát tâm. Thế nhưng còn tùy theo lời văn phát nguyện chung đó mà sanh quyết chí, thì tuy chung nhưng lại mà riêng. Nếu trong lời văn phát nguyện riêng mà được nhiều người phát nguyện giống như vậy thì riêng đã trở thành chung. Lại nữa, phát nguyện rộng thì thù thắng hơn phát nguyện hẹp. Rộng từ phát tâm Từ lớn được quả cao, hẹp thì phát Bi nguyên cạn cho nên được quả thấp. Lại phát nguyện cùng khắp thì thù thắng hơn phát nguyện hạn cuộc. Vì hạn cuộc thì thường bị gián đoạn, cùng khắp thì niệm niệm đều viên thành.
Ba cách phát nguyện như vậy, đủ để kỳ vọng sanh Tịnh Độ, mau được thấy Phật Di đà. Tất cả pháp môn Tịnh Độ đều không ngoài ở đây.
Trích từ “Tịnh Độ Tùng Thư” của Đại sư U Khê
Việt dịch: Đồng Ngộ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét