Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

A Di Đà Kinh Yếu Giải Tinh Hoa Lục


A DI ĐÀ KINH YẾU GIẢI TINH HOA LỤC
(Tịnh Không Pháp Sư)
Nguồn: http://www.amtb.tw/pdf/01-12jy.pdf

1. Nguyên vì chư Phật nghĩ thương xót quần mê, tùy theo từng căn cơ mà lập cách hóa độ. Trở về nguồn thì chẳng hai, nhưng phương tiện có nhiều cửa. Trong hết thảy các phương tiện, cầu lấy một phương tiện thẳng chóng nhất, viên đốn nhất, thì không gì bằng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.

2. Trong hết thảy các pháp môn Niệm Phật, cầu lấy một pháp đơn giản nhất, dễ dàng nhất, ổn thỏa nhất, thích đáng nhất, thì không gì bằng “tín, nguyện, chuyên trì danh hiệu”. 

3. Pháp Trì Danh thích hợp trọn khắp ba căn, thâu nhiếp Sự lẫn Lý chẳng sót, bao trùm Tông lẫn Giáo chẳng thừa, thật là chẳng thể nghĩ bàn.

4. Phật mang chí nguyện độ sanh, căn cơ thành Phật của chúng sanh đã chín muồi, bèn giảng cho họ biết pháp khó tin, khiến họ được giải thoát rốt ráo.

5. A Di Đà, cõi này dịch là Vô Lượng Thọ, còn dịch là Vô Lượng Quang. Nói tới những điểm trọng yếu thì công đức, trí huệ, thần thông đạo lực, sự trang nghiêm nơi y báo và chánh báo, thuyết pháp, hóa độ, mỗi mỗi đều vô lượng.

6. A Di Đà, là đấng đạo sư của cõi đang được nói đến. Ngài dùng bốn mươi tám nguyện tiếp độ chúng sanh tín nguyện niệm Phật sanh về thế giới Cực Lạc, vĩnh viễn đạt đến địa vị Bất Thoái.

7. Nếu không có Tín, sẽ chẳng đủ để khơi gợi Nguyện. Không có Nguyện, sẽ chẳng đủ để hướng dẫn Hạnh. Không có diệu hạnh Trì Danh, chẳng đủ để thỏa mãn Nguyện, hòng chứng thực Tín.

8. Tín là tín Tự, tín Tha, tín Nhân, tín Quả, tín Sự, tín Lý.

9. Nguyện thì chán lìa Sa Bà, vui ưa Cực Lạc.

10.  Hạnh thì chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn.

11. Thích Ca Như Lai quyết chẳng nói dối, Di Đà Thế Tôn quyết chẳng nguyện xuông, tướng lưỡi rộng dài của sáu phương chư Phật quyết chẳng nói hai lời. Tùy thuận giáo huấn chân thật của chư Phật, quyết chí cầu vãng sanh, chẳng còn ngờ vực gì.

12. Tin tưởng sâu xa, tâm tán loạn xưng danh vẫn còn tạo nên hạt giống thành Phật [trong tương lai], huống hồ nhất tâm bất loạn, lẽ nào chẳng được sanh về Tịnh Độ?

13. Tin tưởng Tịnh Độ sâu xa là nơi các vị thiện nhân tụ hội, đều do Niệm Phật tam-muội mà được vãng sanh.

14. Sa Bà chính là nhơ uế do chính tâm mình cảm thành, đối với sự nhơ uế trong tự tâm, theo đúng lý phải nên chán lìa. Cực Lạc chính là sự thanh tịnh do tự tâm cảm vời, đối với sự thanh tịnh trong tự tâm, theo đúng lý phải nên ưa cầu.

15. Do đức chẳng thể nghĩ bàn, nên danh hiệu cũng chẳng thể nghĩ bàn. Do danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn, nên khiến cho tâm tán loạn xưng danh vẫn tạo thành hạt giống Phật, hễ chấp trì danh hiệu bèn đạt Bất Thoái.

16. Pháp Trì Danh đáng gọi là phương tiện bậc nhất trong các phương tiện, là vô thượng liễu nghĩa trong các liễu nghĩa, là viên đốn tối cực trong các pháp viên đốn.

17. Tín nguyện trì danh là cái nhân chân thực của Nhất Thừa, bốn cõi Tịnh Độ là cái quả màu nhiệm của Nhất Thừa.

18. Bất Thoái có bốn nghĩa:
(1) Niệm Bất Thoái: Phá vô minh, hiển Phật tánh, mau chóng sanh về cõi Thật Báo, chứng một phần cõi Tịch Quang.
(2) Hạnh Bất Thoái: Đã trừ được Kiến Hoặc và Tư Hoặc, cũng phá được Trần Sa Hoặc, sanh về cõi Phương Tiện, tiến hướng cực quả.
(3) Vị Bất Thoái: Đới nghiệp vãng sanh, ở trong cõi Đồng Cư, gởi thân nơi hoa sen, vĩnh viễn lìa khỏi duyên thoái thất.
(4) Tất Cánh Bất Thoái: Chẳng cần biết là chí tâm hay tán tâm, hữu tâm hay vô tâm, hiểu hoặc chẳng hiểu, chỉ cần danh hiệu Di Đà, hoặc danh hiệu của chư Phật trong sáu phương và tên gọi kinh này, vừa nghe thoảng qua tai, giả sử ngàn vạn kiếp sau, rốt ráo sẽ do điều này mà được độ thoát.

19. Ở chung với các bậc thượng thiện, tức là sanh vào cõi Đồng Cư thì là đã sanh ngang sang ba cõi trên, trong một đời được bổ xứ thành Phật. Đấy là [hễ dự vào] Vị Bất Thoái thì là đã chứng trọn vẹn ba món Bất Thoái.

20. Tương lai khi kinh pháp diệt sạch, riêng lưu lại kinh này một trăm năm trong cõi đời để rộng độ hàm thức. Dứt bặt đối đãi một cách viên dung, chẳng thể nghĩ bàn.

21. Tạng sâu mầu của kinh Hoa Nghiêm, cốt tủy bí mật của Pháp Hoa, tâm yếu của hết thảy chư Phật, là kim chỉ nam cho vạn hạnh của Bồ Tát, đều chẳng ra ngoài kinh này.

22. Tỳ-kheo gồm ba nghĩa:
(1) Khất Sĩ: Một bát nuôi thân, không tích cóp gì, chuyên cầu pháp yếu xuất thế.
(2) Phá Ác: Chánh huệ quán sát, phá ác phiền não, chẳng đọa vào ái kiến.
(3) Bố Ma (làm cho ma kinh sợ): Phát tâm thọ giới, tác pháp Yết Ma thành tựu, ma liền kinh sợ.

23. Tăng, gọi đủ là Tăng Già, cõi này dịch là Hòa Hợp Chúng. Cùng chứng sự giải thoát vô vi thì gọi là Lý Hòa (hòa hợp về mặt Lý). Thân cùng ở, miệng không tranh cãi, tâm ý cùng vui vẻ, cùng hiểu biết giống như nhau, cùng tu giới như nhau, chia sẻ quyền lợi đồng đều thì gọi là Sự Hòa.

24. Những Bồ Tát thuộc địa vị sâu xa đều cầu sanh Tịnh Độ, vì chẳng lìa thấy Phật, vì chẳng lìa nghe pháp, vì chẳng lìa thân cận cúng dường chúng tăng, để có thể mau chóng viên mãn Bồ Đề vậy.

25. Pháp môn Tịnh Độ nhiếp trọn ba căn, dứt bặt đối đãi một cách viên dung chẳng thể nghĩ bàn. Gồm thâu trọn vẹn, nhưng vượt thoát trọn vẹn hết thảy pháp môn, rất sâu, khó tin.

26. Hai chữ Hữu và chữ “hiện tại” chính là phần Tựa nhằm khuyến tín. “Thế giới tên là Cực Lạc” là phần Tựa khuyên hãy nên phát nguyện. “Phật hiệu A Di Đà”, chính là phần Tựa nhằm khuyên [thực hành] diệu hạnh Trì Danh.

27. “Tín, nguyện, trì danh” là tông chỉ trọng yếu của bộ kinh này. Tín và nguyện là Huệ Hạnh, trì danh là Hành Hạnh. Được vãng sanh hay không hoàn toàn là do có tín, nguyện hay không. Phẩm vị cao hay thấp, hoàn toàn là do trì danh sâu hay cạn.

28. Chúng sanh trong cõi Đồng Cư do thiện căn trì danh nên phước đức giống như Phật, thanh tịnh trọn vẹn bốn cõi, hưởng trọn vẹn các điều vui. Hễ được dự vào đó liền thong dong, vượt khỏi [tam giới] theo chiều ngang để được độ thoát.

29. Chỗ ở đều bằng bốn báu, ấy là công đức của chính mình sâu xa, “châu táp vi nhiễu” nghĩa là những vị hiền thánh khác đều trọn khắp, đấy chính là nhân duyên thật sự của cõi Cực Lạc vậy.

30. Hễ được sanh vào ao báu, thì khi búp sen nở, liền có thể lên bốn bờ, vào pháp hội, thấy Phật, nghe pháp.

31. Các thứ trang nghiêm nơi chỗ ở và chỗ sanh về đều được thành tựu bởi đại nguyện, đại hạnh và công đức xứng tánh của A Di Đà Phật. Vì thế, có thể trang nghiêm trọn khắp bốn thứ Tịnh Độ, có thể nhiếp khắp hết thảy phàm thánh trong mười phương thế giới vãng sanh.

32. Phật dùng đại nguyện để làm cái nhân nhiều thiện căn cho chúng sanh, dùng đại hạnh để làm cái nhân lắm phước đức cho chúng sanh, khiến những kẻ tín nguyện trì danh trong mỗi niệm thành tựu công đức như thế, [những công đức như thế] đều là đã thành, chứ không phải là trong hiện tại hay tương lai mới thành.

33. "Cúng dường Phật ở phương khác" biểu thị do nhân chân thật sẽ tiến đến quả cùng tột, quả đức không gì chẳng trọn khắp. Chẳng lìa cõi ấy mà thường trọn khắp mười phương, chẳng mất thời gian quay trở lại. Nêu rõ một thanh, một trần, một sát-na, thậm chí cất bước, khảy ngón tay trong cõi Cực Lạc đều cùng với mười phương Tam Bảo quán triệt vô ngại.

34. “Phạn thực kinh hành” là nghĩ tới ăn, đồ ăn hiện tới, chẳng mất công xếp đặt. Ăn xong, bát biến mất, chẳng mất công lau, cất. Chỉ kinh hành trên đất vàng, vui hưởng hoa, âm nhạc, tùy ý tấn tu mà thôi.

35. Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc trong phần trước của ba mươi bảy đạo phẩm quyết định có ích đối với chánh tu, trợ tu.

36. Người có lợi căn ở trong bốn cõi ấy sẽ đều được nghe nói tới. Tùy theo ý muốn của người nghe, không gì chẳng diễn nói thông suốt. Vì thế, có thể làm cho người nghe nghĩ nhớ Tam Bảo, phát Bồ Đề tâm, khuất phục, diệt trừ phiền não. Thấy rõ rành rành oai đức từ bi chẳng thể nghĩ bàn, vì thế niệm Phật. Tâm sanh pháp hỷ, pháp vị tràn ngập, vì thế niệm Pháp. Cùng nghe, cùng tiếp nhận, nhất tâm tu chứng, vì thế niệm Tăng.

37. Hữu tình và vô tình cùng tuyên diệu pháp, [diệu pháp ấy chính là ba mươi bảy] đạo phẩm của tứ giáo [Tạng, Thông, Biệt, Viên], vô lượng pháp môn, cùng lúc diễn nói, tùy theo từng loài, loài nào cũng hiểu, khiến cho người nghe niệm Tam Bảo.

38. Hết thảy các sự trang nghiêm đều là do nguyện hạnh của đấng Đạo Sư tạo thành, do Chủng Trí hiện ra, đều là do tịnh nghiệp của chúng ta chiêu cảm. Chỉ do Thức biến, tâm Phật và tâm chúng sanh làm bản chất và hình bóng cho nhau. Như ánh sáng của các ngọn đèn, ánh sáng của mỗi ngọn đều trọn khắp giống như chỉ có một ngọn đèn. Toàn thể Lý biến thành Sự, toàn thể Sự tức là Lý, dùng toàn thể Tánh để tu tập, hoàn toàn tu hành nơi Tánh.

39. Quang theo chiều ngang trọn khắp mười phương, Thọ theo chiều dọc cùng tột ba đời. Ngang dọc đan xen vào nhau thấu suốt cùng tận, đấy chính là Thể của pháp giới. Nêu ra cái Thể này để làm thân và cõi nước của A Di Đà Phật, mà cũng là nêu ra cái Thể nhằm tạo nên danh hiệu A Di Đà. Vì vậy, danh hiệu Di Đà chính là Bổn Giác lý tánh của chúng sanh. Trì danh chính là Thỉ Giác hợp với Bổn Giác. Thỉ Giác và Bổn Giác chẳng hai, chúng sanh và Phật chẳng hai. Vì thế, một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật.

40. Thọ mạng của Phật và nhân dân của Ngài đều bình đẳng vô lượng. Hãy nên biết danh hiệu quang thọ đều vốn vì chúng sanh mà kiến lập. Do chúng sanh và Phật bình đẳng nên có thể khiến cho quang minh và thọ mạng của người trì danh giống như Phật chẳng khác.

41. Do ý nghĩa “vô lượng quang” mà chúng sanh sanh về Cực Lạc tức là sanh về mười phương, thấy A Di Đà Phật chính là thấy mười phương chư Phật. Có thể tự độ chính là lợi ích khắp hết thảy.

42. Do ý nghĩa “vô lượng thọ” nên nhân dân trong cõi Cực Lạc chính là Nhất Sanh Bổ Xứ, đều nhất định thành Phật ngay trong đời này, chẳng đợi đến đời khác.

43. Hãy nên biết: Lìa khỏi một niệm tâm vô lượng quang thọ thì danh hiệu A Di Đà Phật sẽ do đâu mà có? Nhưng lìa khỏi danh hiệu A Di Đà Phật thì còn có cách nào để chứng thấu triệt một niệm tâm vô lượng quang thọ? Xin hãy suy nghĩ sâu xa, xin hãy suy nghĩ sâu xa.

44. Phật thọ vô lượng, nay [A Di Đà Phật] mới chỉ [thành Phật] mười kiếp, tức là Ngài đang thuyết pháp trong hiện tại, thời gian đức Phật còn tại thế chưa hết, khuyên khắp các chúng sanh trong ba đời hãy mau cầu vãng sanh để có thọ mạng giống hệt như Phật, hoàn thành sự tu học chỉ trong một đời.

45. Vô số Thanh Văn, Bồ Tát và Bổ Xứ đều thành tựu trong mười kiếp, chỉ rõ những người vãng sanh [chứng đắc] Bất Thoái trong mười phương ba đời đã nhiều lại còn dễ dàng.

46. Tịnh Độ thù thắng là do đới nghiệp vãng sanh, vượt khỏi tam giới theo chiều ngang, cõi Đồng Cư theo chiều ngang trọn đủ bốn cõi [Tịnh Độ], khai hiển pháp luân tứ giáo (Tạng, Thông, Biệt, Viên), chúng sanh thanh tịnh trọn vẹn bốn cõi Tịnh Độ, thấy trọn vẹn ba thân, chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái. Nhân dân đều thành Phật trong một đời. Những sự thù thắng, lạ lùng, siêu việt, tuyệt diệu như thế, hãy nên nghiên cứu kỹ lưỡng.

47. A Bệ Bạt Trí, cõi này dịch là Bất Thoái:
(1) Vị Bất Thoái: Nhập dòng thánh, chẳng đọa vào địa vị phàm phu.
(2) Hạnh Bất Thoái: Luôn độ sanh, chẳng đọa vào địa vị Nhị Thừa.
(3) Niệm Bất Thoái: Tâm tâm lưu nhập biển Nhất Thiết Trí.

48. Nhất Sanh Bổ Xứ là chỉ một đời sẽ được bổ đi làm Phật, giống như Di Lặc, Quán Âm v.v... Trọn khắp nhân dân trong cõi Cực Lạc đều là bậc thành Phật trong một đời.

49. Trong những giáo pháp của cả đời Phật Thích Ca, chỉ mình kinh Hoa Nghiêm nói đến sự viên mãn trong một đời, nhưng cái nhân viên mãn trong một đời nằm trong phẩm cuối cùng là phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, mười đại nguyện vương dẫn về An Dưỡng. Lại còn dùng điều này để khuyên lơn, sách tấn Hoa Tạng hải chúng. Điểm đặc thù của kinh Hoa Nghiêm hoàn toàn nằm trong kinh này.

50. "Chư thượng thiện nhân, câu hội nhất xứ" (Các thượng thiện nhân cùng nhóm họp một chỗ). Nếu bảo họ là phàm phu thì họ chẳng trải qua các địa vị Dị Sanh, mà dự ngay vào địa vị Bổ Xứ, chẳng khác gì Quán Âm, Thế Chí. Nếu bảo họ là Nhất Sanh Bổ Xứ thì chỉ có thể gọi họ là phàm phu, chẳng thể gọi họ là Đẳng Giác Bồ Tát. Điều này chẳng thể gồm thâu trong giáo pháp nào, mà cũng chẳng thể có trong bất cứ cõi nước nào.

51. Hãy nên biết đối với nhân duyên đại sự của chúng ta, một cửa ải Đồng Cư khó thể vượt thoát nhất. Chỉ có cõi Đồng Cư trong Cực Lạc vượt khỏi các cõi Đồng Cư trong mười phương. Hiểu rõ điều này rồi thì mới có thể tin sâu vào nguyện lực của Phật Di Đà. Có tin vào Phật lực thì mới có thể tin tưởng sâu xa công đức của danh hiệu. Tin vào trì danh thì mới có thể tin tưởng sâu xa tâm tánh của chúng ta vốn chẳng thể nghĩ bàn.

52. Tin sâu, phát nguyện chính là Vô Thượng Bồ Đề. Gộp cả hai thứ Tín và Nguyện này, đích xác là kim chỉ nam cho pháp môn Tịnh Độ. Nếu tín nguyện kiên cố, lâm chung mười niệm hoặc một niệm, cũng quyết định được vãng sanh.

53. Nếu không có tín nguyện, dẫu trì danh hiệu đến mức gió thổi chẳng lọt, mưa táp chẳng ướt giống như tường bạc vách sắt thì cũng chẳng có lẽ nào được vãng sanh! Người tu Tịnh nghiệp chẳng thể không biết điều này.

54. Chánh đạo Bồ Đề gọi là “thiện căn”, tức thân nhân (cái nhân chánh yếu). Các món trợ đạo như Thí, Giới, Thiền v.v... gọi là “phước đức”, tức là trợ duyên. Chỉ có tín nguyện, chấp trì danh hiệu thì mỗi một tiếng đều đầy đủ nhiều thiện căn, phước đức.

55. Lục thú, tứ sanh, chỉ nghe được danh hiệu Phật thì đã là thiện căn trong nhiều kiếp chín muồi. Kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác cũng đều gọi là “thiện” cả.

56. A Di Đà Phật là danh hiệu rộng lớn có đủ muôn đức. Dùng danh để vời đức, trọn chẳng còn sót gì. Vì thế, liền lấy chấp trì danh hiệu làm Chánh Hạnh, chẳng cần phải dính dáng những hạnh như quán tưởng, tham cứu v.v.. Đơn giản, dễ dàng nhất, thẳng chóng nhất.

57. Nghe rồi tin, tin rồi nguyện, bèn chịu chấp trì. Chứ chẳng tin, chẳng nguyện thì cũng giống như chẳng nghe; tuy tạo thành cái nhân xa, nhưng chẳng thể gọi là Văn Huệ.

58. Sự Trì là tin có A Di Đà Phật ở Tây Phương, nhưng chưa thấu đạt “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, nhưng do quyết chí nguyện cầu vãng sanh, như con nhớ mẹ, không lúc nào tạm quên.

59. Lý Trì là tin A Di Đà Phật ở Tây Phương tâm ta sẵn đủ, là do tâm ta tạo, liền dùng hồng danh tâm ta sẵn đủ, tâm ta tạo ấy để làm cảnh hệ niệm khiến cho chẳng tạm quên vậy.

60. Bất luận Sự Trì hay Lý Trì, trì đến mức khuất phục, trừ diệt phiền não, cho đến trừ hết Kiến Hoặc hay Tư Hoặc trước, đều là Sự nhất tâm.

61. Bất luận là Sự Trì hay Lý Trì, trì đến mức tâm khai ngộ, thấy vị Phật nơi bổn tánh, đều là Lý nhất tâm.

62. Hãy nên biết rằng: Chấp trì danh hiệu tuy đơn giản, dễ dàng, thẳng chóng, mà lại viên đốn tột bậc, bởi mỗi niệm chính là Phật, chẳng nhọc công quán tưởng, chẳng cần phải tham cứu, mà ngay trong khi niệm Phật ấy bèn viên minh, chẳng thừa, chẳng thiếu. Bậc thượng thượng căn chẳng thể vượt ngoài cửa ải này, mà kẻ hạ hạ căn cũng có thể đạt đến cảnh giới ấy.

63. Nay hoàn toàn do tín nguyện mà trì danh nên trong mỗi tiếng niệm Phật đều đầy đủ trọn vẹn ba món Tín - Nguyện - Hạnh. Do vậy, gọi là “nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên”.

64. Hãy nên biết rằng tội lỗi đã tích tập nếu có thể tướng thì cùng tận cõi hư không chẳng thể chứa đựng được. Dẫu suốt cả trăm năm, mỗi ngày đêm niệm Di Đà mười vạn tiếng, mỗi một tiếng diệt tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử, nhưng tội đã diệt giống như đất đọng trên móng tay, còn tội chưa diệt giống như đất trong đại địa. Chỉ trừ niệm Phật đến nhất tâm bất loạn sẽ giống như người mạnh mẽ đột phá vòng vây xông ra, ba quân chẳng còn có thể khống chế người ấy.

65. Kính xin kẻ áo thâm, người áo trắng, kẻ trí, người ngu, đối với pháp môn đơn giản, dễ dàng, thẳng chóng, vô thượng viên đốn này, đừng nghĩ là khó rồi liền sanh lòng thoái thác, đừng thấy là dễ dàng rồi chần chừ chẳng siêng gắng, đừng ngỡ là nông cạn để rồi đến nỗi lầm lạc coi thường, đừng nghĩ pháp này quá sâu đến nỗi chẳng dám đảm đương.

66. Bởi lẽ, danh hiệu được trì chân thật chẳng thể nghĩ bàn, tâm tánh trì niệm danh hiệu ấy cũng chân thật chẳng thể nghĩ bàn. Trì một tiếng thì một tiếng chẳng thể nghĩ bàn, trì mười, trăm, ngàn, vạn, vô lượng vô số tiếng thì mỗi tiếng đều chẳng thể nghĩ bàn.

67. "Ngã kiến thị lợi" (Ta thấy điều lợi ấy). Phật nhãn thấy thấu suốt đến cùng tận. Vượt khỏi cõi Ngũ Trược theo chiều ngang, thanh tịnh trọn vẹn bốn cõi Tịnh Độ, đạt thẳng đến các địa vị Bất Thoái viên mãn. Đấy là “điều lợi chẳng thể nghĩ bàn về mặt công đức” vậy.

68. Đối với cửa ải lâm chung thì tự lực tu hành sẽ khó đủ sức để vượt qua nhất. Chỉ có tín nguyện trì danh là do cậy vào tha lực và thệ nguyện từ bi của Phật, nhất định chẳng luống uổng. Phật Di Đà và thánh chúng hiện đến trước mặt an ủi, hướng dẫn, nên tâm không điên đảo, tự tại vãng sanh. Phật thấy chúng sanh chịu khổ vì điên đảo tán loạn khi lâm chung, [nên] đặc biệt đảm bảo cho chúng sanh chuyện [vãng sanh] này.

69. Pháp môn sâu mầu, phá sạch hết thảy hý luận, chặt sạch hết thảy ý kiến. Những kẻ Thế Trí Biện Thông, những kẻ thông hiểu cả Nho lẫn Thiền, tận hết sức suy lường, càng suy nghĩ càng xa cách hơn, hóa ra chẳng bằng những ông những bà ngu muội, thật thà niệm Phật, mà có thể ngầm thông Phật trí, thầm hợp đạo mầu.

70. "Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh" (Kinh Khen Ngợi Công Đức Chẳng Thể Nghĩ Bàn Được Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm).
Chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu cùng tận Thật Tướng của các pháp. Kinh này chỉ là cảnh giới Phật, chỉ có Phật và Phật mới có thể lưu thông mà thôi. “Chẳng thể nghĩ bàn”, nói đại lược gồm năm ý:
- Một là vượt thoát tam giới theo chiều ngang, chẳng đợi phải đoạn Hoặc.
- Hai là sanh về Tây Phương liền trọn đủ bốn cõi, chẳng phải do chứng từ từ.
- Ba, chỉ trì danh hiệu, chẳng cần phải dùng tới các phương tiện Thiền, Quán.
- Bốn là lấy bảy ngày làm hạn, chẳng cần đến nhiều kiếp, nhiều đời, nhiều năm tháng.
- Năm là trì danh hiệu một vị Phật liền được chư Phật hộ niệm, chẳng khác gì trì danh hiệu của hết thảy chư Phật.

71. Hành nhân tín nguyện trì danh hoàn toàn thâu nhiếp công đức của Phật thành công đức của chính mình. Vì thế, cũng nói: “Công đức lợi ích của A Di Đà Phật chẳng thể nghĩ bàn”. Chư Phật và Phật Thích Ca đều lấy A Di Đà Phật làm Tự.

72. Phật hóa độ chúng sanh, chúng sanh tiếp nhận sự giáo hóa, trong ấy có [tình trạng] khó - dễ, cạn - sâu, nói chung là do duyên. Duyên đã có, ân đức rộng sâu, đủ mọi cách dạy bảo, khơi gợi thì sẽ có thể làm cho [chúng sanh] vui vẻ tin tưởng, chứng nhập, có thể dấy động chủng tử từ trong quá khứ, có thể làm cho ma khó thể gây chướng ngại, ngăn trở, có thể làm cho thể tánh khai phát. Chư Phật vốn từ Pháp Thân mà thị hiện hình tích, tạo duyên sâu chắc với chúng sanh.

73. Dù là [so với] pháp thế gian hay xuất thế gian, [pháp môn này] luôn luôn là chẳng thể nghĩ bàn, nên nó được tôn trọng nhất trong các giáo pháp và tam thừa Phật pháp, được tuyên dương trong các hội [giảng kinh rộng lớn như] biển cả [của chư Phật], thấm sâu trong biển khổ, từ bi khế hợp với Tịch Quang. Do vậy, các bậc vạn đức (chư Phật) đều kính trọng, tuân giữ, các sanh linh đều ngưỡng mộ tuân hành đến tột bậc.

74. Người thuộc địa vị cạn sẽ quyết chí chuyên cầu, mà người ở địa vị sâu cũng chẳng cần phải bỏ Tây Phương để riêng cầu Hoa Tạng. Nếu bảo Tây Phương là Quyền, Hoa Tạng là Thật, Tây Phương là Tiểu Thừa, Hoa Tạng là Đại Thừa, tức là hoàn toàn rơi vào tình thức Biến Kế Chấp của chúng sanh, bởi chẳng thấu hiểu Quyền và Thật cùng một Thể, Tiểu Thừa và Đại Thừa chẳng có tánh vậy.

75. Một mình kinh này giảng về tâm yếu vô thượng, danh hiệu của chư Phật và giảng giải vạn đức rốt ráo viên mãn vô thượng. Vì thế, người nghe đều được chư Phật hộ niệm. Lại nữa, nghe kinh, thọ trì, tức là chấp trì danh hiệu, vì danh hiệu A Di Đà được chư Phật hộ niệm.

76. Chư Phật từ bi chẳng thể nghĩ bàn, công đức của danh hiệu cũng chẳng thể nghĩ bàn. Vì thế, vừa nghe danh hiệu Phật, bất luận là hữu tâm hay vô tâm, dù tin hay không, đều tạo thành cái duyên và hạt giống [thành Phật trong A Lại Da Thức]. Huống chi, Phật độ chúng sanh chẳng phân biệt là kẻ oán hay người thân, luôn luôn không mệt mỏi. Nếu nghe danh hiệu Phật, ắt Phật sẽ hộ niệm.

77. A Nậu Đa La cõi này dịch là Vô Thượng, Tam Miệu Tam Bồ Đề cõi này dịch là Chánh Đẳng Chánh Giác, tức là quả giác Đại Thừa vậy. “Trọn vẹn ba thứ Bất Thoái” chính là tên khác của “thành Phật ngay trong một đời”.

78. Nay nguyện nay sanh, sẽ nguyện sẽ sanh. Nêu ra nguyện thì tín và hạnh đều nằm trong ấy. Do vậy, Phật ân cần ba lượt khuyên nhủ. Chỉ cần nay tín nguyện trì danh thì [nơi Cực Lạc] hoa sen rạng ngời, đài vàng hiện bóng, tức là đã không còn là người trong cõi Sa Bà nữa! Cực viên, cực đốn, khó nghĩ, khó suy, chỉ có bậc đại trí mới có thể tin tưởng chắc thật mà thôi!

79. Công đức và trí huệ của chư Phật tuy đều bình đẳng, nhưng thực hiện sự giáo hóa thì có dễ hay khó. Vì chúng sanh đời trược thuyết pháp Tiệm (tu tấn dần dần) còn dễ, nói pháp Đốn sẽ khó. Vì chúng sanh đời trược nói các pháp Đốn khác còn dễ, nói Đốn pháp Tịnh Độ vượt ngang tam giới rất khó. Vì chúng sanh đời trược nói diệu quán Tịnh Độ đốn tu đốn chứng vượt ngang tam giới đã chẳng dễ dàng, nói pháp chẳng cần đến tu chứng nhọc nhằn, chỉ trì danh hiệu, mau chóng vượt lên Bất Thoái, kỳ lạ, đặc biệt, thù thắng, nhiệm mầu, vượt khỏi suy nghĩ, phương tiện bậc nhất này càng là điều khó nhất trong những điều khó.

80. Trong thuở Kiếp Trược, nếu chẳng có hạnh “mang theo nghiệp vượt thoát theo chiều ngang”, ắt chẳng thể độ được. Trong thời Kiến Trược, nếu chẳng cậy vào hạnh phương tiện, ắt chẳng thể độ được. Trong thuở Phiền Não Trược, nếu không dùng hạnh “tâm phàm chính là tâm Phật”, ắt chẳng thể độ được. Trong thuở Chúng Sanh Trược, nếu không do hạnh Ưa Thích và Chán Lìa, ắt chẳng thể độ được. Trong thuở Mạng Trược, mà chẳng dùng hạnh “chẳng tốn kiếp số, chẳng cần phải nhọc nhằn tu tập”, ắt chẳng thể độ được.

81. Chỉ dùng tín nguyện này để trang nghiêm, niệm một tiếng A Di Đà Phật, sẽ chuyển Kiếp Trược thành hải hội thanh tịnh, chuyển Kiến Trược thành vô lượng quang, chuyển Phiền Não Trược thành Thường Tịch Quang, chuyển Chúng Sanh Trược thành hóa sanh trong hoa sen, chuyển Mạng Trược thành vô lượng thọ.

82. Vì thế, một câu A Di Đà Phật chính là pháp mà đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã dùng để đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác trong đời ác ngũ trược. Nay Ngài đem toàn thể sự giác ngộ nơi Phật quả truyền cho chúng sanh trong đời trược ác. Đấy chính là cảnh giới thực hành của chư Phật, chỉ có Phật với Phật mới hòng thấu suốt cùng tận, chứ chúng sanh trong chín pháp giới cậy vào tự lực sẽ chẳng thể tin hiểu được.

83. Một hạnh tín nguyện trì danh, chẳng xen lẫn những hạnh nghiệp nào khác, chuyển biến trọn vẹn ngũ trược, chỉ có tin mới hòng chứng nhập, là cảnh giới chẳng thể do nghĩ bàn mà hòng thấu hiểu được. Nếu đức Bổn Sư chẳng giảng pháp này, chúng sanh sẽ do đâu mà nhận lãnh được pháp này vậy thay?

84. Chúng ta sống trong Kiếp Trược, quyết định bị thời đại vây bủa, bị khổ não bức bách. Sống trong Kiến Trược, chắc chắn bị tà trí trói buộc. Sống trong Phiền Não Trược, chắc chắn bị tham dục vây hãm, bị ác nghiệp cắn rứt. Sống trong Chúng Sanh Trược, chắc chắn ở yên trong cảnh hôi nhơ mà chẳng thấu hiểu, cam lòng kém hèn, chẳng thể phấn chấn mạnh mẽ tiến lên. Ở trong Mạng Trược, chắc chắn bị vô thường nuốt mất, [mạng người ngắn ngủi] như tia lửa xẹt do đập vào đá, như ánh chớp, trở tay chẳng kịp.

85. Nếu chẳng biết sâu xa [thoát ly Ngũ Trược] là cực khó, ắt sẽ ngỡ còn có một pháp nào khác để thoát khỏi Ngũ Trược, cứ hý luận rối bời trong ngôi nhà lửa cháy bừng bừng. Chỉ có hiểu sâu xa [thoát ly Ngũ Trược] là rất khó thì mới chịu chết sạch tấm lòng mong ngóng so đo, quý báu một hạnh này. Đây chính là lý do vì sao đức Bổn Sư cạn hết lời, bảo pháp này rất khó, lại còn tha thiết dặn dò chúng ta phải nên thấu hiểu.

86. Kinh dạy: “Trong đời Mạt Pháp, ức ức người tu hành, hiếm có một ai đắc đạo, chỉ có nương vào pháp Niệm Phật thì mới đắc độ”. Than ôi! Nay đúng nhằm thời ấy vậy. Bỏ pháp môn chẳng thể nghĩ bàn này, thì còn cậy vào đâu để giải thoát cho được?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét