Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Ấn Quang Đại Sư Nhiếp Tâm Niệm Phật Pháp


ẤN QUANG ĐẠI SƯ PHÁP NGỮ

* NHIẾP TÂM NIỆM PHẬT PHÁP *
(Phương pháp nhiếp tâm niệm Phật)

Nguồn: http://www.amtb.tw/pdf/EB16-19-01.pdf
(Trích từ bản dịch của Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa)

1. Thư trả lời cư sĩ Cao Thiệu Lân (thư thứ tư)

... hãy nên nhiếp tâm khẩn thiết niệm, sẽ tự có thể quy nhất. Pháp nhiếp tâm không pháp nào chẳng trước hết phải chí thành khẩn thiết. Tâm không chí thành mà muốn nhiếp tâm thì không có cách nào cả! Nếu đã chí thành mà vẫn chưa thuần nhất, hãy nên lắng tai nghe kỹ, bất luận niệm ra tiếng hay niệm thầm, đều phải niệm từ tâm khởi, tiếng từ miệng lọt ra, âm thanh lọt vào tai (niệm thầm dẫu miệng không động, nhưng trong ý vẫn có tướng miệng niệm), tâm - miệng niệm cho rõ ràng, rành mạch, tai nghe cho rõ ràng, rành mạch. Nhiếp tâm như thế, vọng niệm tự dứt.
    Nếu vọng niệm vẫn còn nổi sóng, thì dùng pháp Thập Niệm Ký Số, tức là đem sức lực toàn tâm đặt nơi một tiếng Phật hiệu, dẫu muốn khởi vọng cũng không có sức. Diệu pháp nhiếp tâm niệm Phật rốt ráo này xưa kia các vị hoằng truyền Tịnh Độ chưa đề cập đến là vì căn tánh con người [khi ấy] còn thông lợi, chẳng cần phải làm như thế mới có thể quy nhất được! Ấn Quang do tâm khó chế phục, mới biết cái hay của pháp này. Càng thử càng thấy hay, chẳng phải là nói mò đâu nhé. Nguyện khắp thiên hạ những kẻ độn căn đời sau đều cùng sử dụng khiến cho vạn người tu vạn người về.
Pháp Thập Niệm Ký Số vừa nói đó chính là trong lúc niệm Phật, từ một câu đến mười câu phải niệm cho phân minh, lại phải nhớ phân minh, đến mười câu là thôi. Lại phải niệm từ một câu đến mười câu, chẳng được niệm hai mươi, ba mươi. Niệm đâu nhớ đấy, không được lần chuỗi, chỉ dựa vào tâm để nhớ. Nếu nhớ thẳng vào mười câu thấy khó thì chia thành hai hơi, tức là từ câu thứ nhất đến câu thứ năm và từ câu thứ sáu đến câu thứ mười. Nếu vẫn thấy mệt, nên từ câu một đến câu ba, từ câu bốn đến câu sáu, từ câu bảy đến câu mười, chia làm ba hơi để niệm. Niệm cho rõ ràng, nhớ cho rõ ràng, nghe cho rõ ràng, vọng niệm không chỗ chen chân, nhất tâm bất loạn, niệm lâu ngày sẽ tự được.
    Phải biết mười niệm này giống như cách nhiếp vọng bằng pháp Thập Niệm buổi sáng, nhưng công dụng khác xa. Buổi sáng mười niệm thì hết một hơi là một niệm, chẳng luận số câu niệm Phật nhiều - ít. Cách này lấy một câu Phật hiệu làm một niệm, còn cách kia chỉ có thể niệm mười hơi vào buổi sáng. Nếu niệm hai mươi, ba mươi hơi sẽ tổn khí thành bệnh. Cách niệm này một niệm là một câu Phật hiệu, tâm biết một câu, niệm mười câu Phật hiệu, tâm biết mười câu. Từ một đến mười, rồi lại từ một đến mười, dẫu cả ngày niệm mấy vạn tiếng cũng đều nhớ như thế. Chẳng những trừ vọng lại còn dưỡng thần tốt nhất. Niệm mau hay chậm trọn không trở ngại, từ sáng đến tối, không gì không thích hợp.
    So với cách lần chuỗi nhớ số, lợi ích khác nhau một trời một vực. Cách kia (tức cách niệm bằng lần chuỗi) thân mệt, thần động, cách này thân nhàn tâm an. Nhưng lúc làm việc nếu khó nhớ số thì cứ khẩn thiết niệm thẳng. Làm việc xong, lại nhiếp tâm nhớ số như cũ. Dẫu ý niệm loang loáng đến đi, cũng vẫn quẩn quanh chuyên chú nơi một cảnh Phật hiệu. Đại Thế Chí nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa, ấy là bậc nhất”. Kẻ lợi căn chẳng cần phải nói nữa, nếu là hạng độn căn như bọn ta, bỏ pháp Thập Niệm Ký Số này, muốn nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, thật khó khăn lắm!
    Lại phải biết pháp nhiếp tâm niệm Phật này tuy cạn mà sâu, tuy nhỏ mà lớn, là pháp chẳng thể nghĩ bàn. Chỉ nên thường ngửa tin lời Phật, chớ vì mình thấy không đến nơi đến chốn bèn sanh nghi hoặc, đến nỗi thiện căn nhiều kiếp do đây bị mất, chẳng thể rốt ráo tự đạt được lợi ích thật sự, đáng buồn lắm! Lần chuỗi niệm Phật chỉ nên làm trong hai lúc đi và đứng. Nếu tịnh tọa dưỡng thần, do tay động nên thần chẳng an, lâu ngày thành bệnh. Pháp Thập Niệm Ký Số này đi, đứng, nằm, ngồi, không gì chẳng thích hợp. Lúc nằm chỉ nên niệm thầm, không được niệm ra tiếng. Nếu niệm ra tiếng thì một là bất kính, hai là tổn khí, hãy nhớ kỹ, nhớ kỹ!

2. Thư gởi nữ sĩ Từ Phước Hiền

... Niệm Phật cần phải nhiếp tâm, niệm từ tâm khởi, tiếng từ miệng phát ra, đều phải mỗi câu mỗi chữ phân minh rành rẽ. Lại phải lắng tai nghe kỹ, từng câu từng chữ nạp vào trong tâm. Nhĩ căn đã nhiếp thì các căn kia không cách chi rong ruổi bên ngoài, mới hòng mau đạt nhất tâm bất loạn.
    Đại Thế Chí Bồ Tát nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc tam-ma-địa ấy là bậc nhất” chính là chỉ về điều này vậy. Ngài Văn Thù nói: “Quay trở lại nghe nơi tự tánh, tánh thành vô thượng đạo” cũng nhằm chỉ điều này. Chớ bảo pháp Trì Danh là thiển cận rồi bỏ bê, tu theo những pháp Quán Tượng, Quán Tưởng, Thật Tướng. Phàm trong bốn cách niệm Phật chỉ có Trì Danh là khế cơ nhất. Trì đến nhất tâm bất loạn thì diệu lý Thật Tướng hiển lộ toàn thể, Tây Phương diệu cảnh triệt để phô bày trọn vẹn. Do trì danh chứng được Thật Tướng, chẳng cần quán tưởng vẫn thấy được thấu triệt Tây Phương. Một pháp Trì Danh chính là huyền môn để nhập đạo, là đường tắt để thành Phật. Người đời nay giáo lý quán pháp chẳng hiểu rõ. Nếu tu quán tưởng Thật Tướng rất có thể bị ma dựa, khéo quá hóa vụng, cầu thăng hóa đọa. Nên tu hạnh dễ hành, ắt tự cảm được quả chí diệu.

3. Trả lời thư hai vị cư sĩ Từ Ngạn Như và Từ Dật Như

    Quý vị nói chuyện đời ràng buộc, không cách gì thoát khỏi được thì ngay trong lúc bị ràng buộc ấy chỉ cần không bị chúng xoay chuyển thì ràng buộc liền thành cởi gỡ, như gương chiếu hình tượng, hình đến chẳng cự tuyệt, hình đi chẳng giữ lại. Nếu không biết nghĩa này, dẫu có trừ sạch mọi chuyện thế tục không còn có chuyện gì phải lo toan thì cũng vẫn bị cái tâm vọng tưởng, tán loạn, ràng buộc kiên cố, chẳng thể gột rửa, thoát khỏi. Người học đạo phải hành xử thuận theo địa vị, tận hết bổn phận của mình. Như thế thì dù suốt ngày việc đời ràng buộc, nhưng suốt ngày vẫn cứ tiêu dao ngoài vật. Câu nói “nhất tâm vô trụ, vạn cảnh đều nhàn, chẳng ghét lục trần vẫn đồng Chánh Giác” chính là nói về điều này vậy.
    Chuyện niệm Phật quan trọng nhất là liễu sanh tử, đã vì liễu sanh tử thì tự sanh lòng nhàm chán đối với nỗi khổ sanh tử, tự sanh lòng ưa thích đối với sự vui Tây Phương. Như thế thì hai pháp Tín - Nguyện sẽ được vẹn toàn ngay trong một niệm, lại thêm niệm chí thành khẩn thiết như con nhớ mẹ thì Phật lực, pháp lực, sức công đức tín nguyện nơi tự tâm, ba pháp đều phô bày trọn vẹn. Ví như mặt trời rạng rỡ giữa hư không, dẫu mây dầy, băng đóng tầng tầng, chẳng mấy chốc liền tiêu tan. Lúc sơ tâm niệm Phật, chưa tự chứng được tam-muội, ai có thể không có vọng niệm cho được? Quý sao tâm thường giác chiếu, chẳng chuyển theo vọng, ví như quân hai bên đối địch, ắt phải giữ vững thành quách của chính mình, chẳng cho quân giặc xâm phạm tí ti nào, đợi khi giặc vừa tấn công bèn đánh chặn đầu. Ắt phải xua quân Chánh Giác vây kín bốn mặt khiến cho chúng nó không lối lên trời, không nẻo chui xuống đất, khiến chúng sợ bị diệt chủng, liền đua nhau quy hàng. Quan trọng nhất là chủ soái không mê muội, không lười nhác, thường luôn tỉnh táo mà thôi! Nếu mê muội, lười nhác thì chẳng những không diệt được giặc mà trái lại còn bị giặc diệt. Do vậy, người niệm Phật không biết nhiếp tâm thì càng niệm càng sanh vọng tưởng. Nếu nhiếp được tâm thì vọng niệm sẽ dần dần mỏng nhẹ, cho đến không còn nữa! Vì thế, nói:
Học đạo do như thủ cấm thành,
Trú phòng lục tặc, dạ tỉnh tỉnh,
Tướng quân chủ soái năng hành lệnh,
Bất động can qua định thái bình.

(Tạm dịch:
Học đạo dường như giữ cấm thành,
Ngày phòng sáu giặc, đêm thường tỉnh,
Tướng quân chủ soái nghiêm quân lệnh,
Chẳng dấy can qua, quyết thái bình)

4. Thư trả lời sư Hựu Chân và cư sĩ Giác Tam

    Người niệm Phật hãy nên cung kính, chí thành, từng câu từng chữ trong tâm niệm cho rõ ràng, rành mạch, miệng niệm cho rõ ràng rành mạch. Nếu làm được như thế, dẫu chẳng thể hoàn toàn không có vọng niệm, nhưng cũng chẳng đến nỗi quá đáng. Có lắm kẻ chỉ mong lẹ, mong nhiều, thuận miệng niệm ào ào, cho nên không có hiệu quả! Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự. Đại Thế Chí Bồ Tát đã ví dụ “như con nhớ mẹ”, trong tâm con chỉ nghĩ đến mẹ, những cảnh khác đều chẳng phải là chuyện trong tâm chính mình. Vì thế có thể cảm ứng đạo giao. Lại nói: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế, đắc Tam Ma Địa, tư vi đệ nhất” (nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa (tức tam-muội), ấy là bậc nhất). Nói “khiến cho tâm, miệng, tai đều được rõ ràng” chính là pháp tắc nhiếp trọn sáu căn vậy (Tâm là Ý Căn, miệng là Thiệt Căn). Tâm và miệng niệm hợp cùng tai nghe thì mắt, mũi quyết định chẳng đến nỗi rong ruổi theo bên ngoài, thân cũng chẳng đến nỗi láo xược, phóng túng. Người đời nay niệm Phật phần nhiều đều chẳng chịu nỗ lực nên không có hiệu quả gì.
    Lại nữa, khi không niệm Phật, vọng tưởng tuy nhiều nhưng không cách nào biết được, chứ không phải là lúc không niệm thì không có vọng tưởng! Ví như đối với hư không trong nhà, dẫu mắt cực tốt cũng không thể thấy được bụi bặm. Nếu từ khe cửa sổ soi vào một tia nắng, sẽ thấy bụi bặm trong tia nắng chao lên đảo xuống không khi nào ngừng, khi ánh sáng chưa chiếu đến nơi, vẫn chẳng thấy có bụi bặm! Vì thế, biết rằng: Khi niệm Phật mà nhận biết có vọng tưởng thì đấy vẫn là cái hay của việc niệm Phật. Lúc không niệm Phật, hoàn toàn bị vùi lấp trong vọng tưởng cho nên không biết!
    Lại nữa, pháp Niệm Phật khẩn yếu nhất là có lòng tin chân thật, nguyện thiết tha. Hễ có lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, dẫu chưa đạt đến nhất tâm bất loạn vẫn có thể cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Nếu không có tín - nguyện, dẫu tâm không có vọng niệm thì vẫn chỉ là phước báo nhân thiên vì chẳng tương ứng với Phật. Do vậy, đương nhiên phải chú trọng nơi tín - nguyện cầu sanh Tây Phương. Thật sự có tín - nguyện, vọng sẽ tự hết. Nếu lúc bình thường có vọng tưởng quá mức, muốn đắc thần thông, được danh dự, được duyên pháp, đắc đạo v.v… hoàn toàn lấy vọng tưởng làm bản tâm của chính mình như vậy thì càng tinh tấn, dũng mãnh, những thứ vọng tưởng ấy càng nhiều càng lớn! Nếu chẳng giác chiếu để dứt trừ vĩnh viễn những vọng tưởng ấy thì sau này vẫn bị ma dựa phát cuồng, há nào phải chỉ có vọng tưởng mà thôi ư? Vì thế, phải miệt mài đoạn dứt những thứ vọng tưởng quá mức ấy.
    Thực hiện công khóa thì nên y theo chương trình của công khóa. Khi [đi kinh hành] niệm Phật xong trở về chỗ, niệm thêm [danh hiệu] hai vị Phật Thích Ca, Dược Sư cũng không ngại gì. Luận theo mặt lý thì lễ Phật trước khi chưa niệm chính là lễ Phật Thích Ca. Người đời phần nhiều xử sự theo tình cảm, không ai chẳng cầu tiêu tai, tăng tuổi thọ; vì thế, niệm thêm Phật Dược Sư. Thật ra, oai thần công đức của A Di Đà Phật bằng với oai thần công đức của mười phương ba đời hết thảy chư Phật, chứ không phải là niệm A Di Đà Phật chẳng thể tiêu tai, tăng tuổi thọ!

5. Thư trả lời cư sĩ Châu Đức Đại

    Pháp môn Niệm Phật chú trọng tín nguyện, có tín nguyện nhưng chưa được nhất tâm cũng có thể vãng sanh. Đắc nhất tâm nhưng không có tín nguyện, vẫn chẳng được vãng sanh! Người đời phần nhiều chú trọng nhất tâm, chẳng chú trọng tín nguyện, tức là đã đánh mất cái quan trọng cốt lõi nhất. Nếu lại còn sanh khởi mối nghi “chưa đắc nhất tâm, sợ rằng chẳng được vãng sanh” thì hoàn toàn trái nghịch với lòng tin chân thành, nguyện thiết tha mất rồi! Kiểu suy nghĩ này tợ hồ là suy nghĩ tốt, nhưng thật ra, nếu do đây càng tăng thêm tín nguyện để đạt đến nhất tâm thì đó là cách suy nghĩ tốt; còn nếu do chưa được nhất tâm bèn thường nghĩ chẳng thể nào vãng sanh được thì sẽ trở thành cách suy nghĩ xấu, chẳng thể không biết! Muốn được nhiếp tâm quy nhất, điều quan trọng nhất là tâm thiết tha vì sanh tử, điều thứ hai là khẩn thiết chí thành, điều thứ ba là phải chân thật niệm từ trong tâm, miệng đừng lem lém đọc qua. Nếu vẫn chẳng thể quy nhất, hãy nên dựa theo cách Thập Niệm Ký Số trong Văn Sao, ắt sẽ dễ dàng tự đạt được quy nhất.

6. Thư trả lời cư sĩ Dương Vĩ Chương

    Hôm nay đặt pháp danh, dùng Một Lá Thư Gởi Khắp để khai thị. Gởi thư xong, đọc lại thư ông, biết ông chưa biết tông chỉ Tịnh Độ. Hãy nên y theo những gì đã nói trong Một Lá Thư Gởi Khắp mà sanh lòng tin thật sự, phát nguyện thiết tha, chí thành khẩn thiết, niệm danh hiệu Phật. Đừng dùng cách niệm quán tâm, hãy nên dùng cách niệm nhiếp tâm. Trong kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ Tát nói “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa, ấy là bậc nhất”. Khi niệm Phật trong tâm (ý căn) phải niệm cho rõ ràng, rành rẽ, nơi miệng (thiệt căn) phải niệm cho rõ ràng, rành rẽ, nơi tai (nhĩ căn) phải nghe cho rõ ràng, rành rẽ. Ý, thiệt, nhĩ ba căn mỗi mỗi đều nhiếp thủ Phật hiệu thì mắt cũng chẳng ngó Đông, dòm Tây, mũi cũng chẳng ngửi những thứ khí vị khác, thân cũng chẳng lười trễ, biếng nhác, đó gọi là “nhiếp trọn sáu căn”. Nhiếp trọn sáu căn để niệm tuy chẳng thể hoàn toàn không có vọng niệm, nhưng so với kẻ chẳng nhiếp [sáu căn để niệm] thì trong tâm thanh tịnh hơn nhiều lắm, vì thế gọi là “tịnh niệm”.
    Nếu thường giữ được tịnh niệm cho liên tục chẳng bị gián đoạn, tâm sẽ tự được quy về một chỗ. Ở mức cạn là đắc nhất tâm, mức sâu là đắc tam-muội. Tam Ma Địa cũng là tên gọi khác của Tam Muội, ở đây (Trung Hoa) dịch là Chánh Định, hay còn dịch là Chánh Thọ. Chánh Định nghĩa là tâm an trụ nơi Phật hiệu, chẳng còn rong ruổi theo bên ngoài nữa. Chánh Thọ ngụ ý những gì được nạp thọ (thâu nhận) trong tâm chỉ là cảnh duyên công đức của Phật hiệu, hết thảy cảnh duyên đều chẳng thể được! Có thể thật sự nhiếp cả sáu căn để niệm, chắc chắn nghiệp chướng tiêu trừ, thiện căn tăng trưởng. Chẳng cần phải quán tâm mà tâm tự thanh tịnh, sáng tỏ, sao lại đến nỗi mắc bệnh tâm hỏa bốc lên nữa ư? Do ông là phàm phu nghiệp lực cực nặng, lầm lạc dùng pháp quán tâm nên mới đến nỗi như thế. Pháp quán tâm chính là pháp tu Quán bên Giáo, chẳng thích hợp lắm với người niệm Phật! Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối mới là vô thượng diệu pháp thích hợp khắp hết thảy căn cơ thượng, trung, hạ, cả phàm lẫn thánh.
    Nên biết “nhiếp trọn” chú trọng tại Nghe. Dẫu niệm thầm trong tâm cũng vẫn phải nghe, bởi lẽ trong tâm khởi niệm liền có tướng của tiếng. Tai chính mình nghe tiếng trong tâm của chính mình, vẫn rành rẽ rõ ràng. Nếu có thể nghe được từng câu, từng chữ rõ ràng thì sáu căn đều quy về một, so với tu những pháp Quán khác là ổn thỏa, thích đáng nhất, ít tốn sức nhất, khế lý, khế cơ nhất. Đã phát tâm niệm Phật, ắt cần phải kiêng giết, ăn chay, đoạn cả hút sách lẫn uống rượu. Thanh tâm quả dục (tấm lòng trong sạch, ít ham muốn), cưới vợ chủ yếu để sanh con. Người đời thường thường coi chuyện ân ái như chuyện ăn cơm, uống trà thường ngày trong nhà mà mong tưởng sanh được đứa con tốt đẹp sẽ là chuyện khó nhất trong các sự khó. Ông đã lầm lẫn, khiến cho [tánh mạng] nguy ngập mấy lần, hãy nên đoạn dục một hai năm để sanh được con. Đợi cho thiên quý (kinh nguyệt) của vợ sạch rồi, lại cần chọn ngày tháng tốt đẹp để ăn nằm, ắt nhất định thọ thai. Từ đấy, vĩnh viễn đoạn dục. Đứa con sanh ra chắc chắn hiền thiện, khỏe mạnh. Lại cần phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, trong là gia đình, ngoài là những người cùng hàng, đều nên dùng điều này để kính khuyên thì sẽ là Phật tử thật sự vậy. Nếu không, vẫn là kẻ tội nhân nơi danh giáo, huống hồ còn muốn liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh mà được hay sao?

7. Thư trả lời thầy Tu Tịnh

... Pháp môn Niệm Phật thực hiện dễ thành công cao, dùng sức ít được hiệu quả nhanh chóng; đi, đứng, nằm, ngồi, trong hết thảy mọi lúc, hết thảy chỗ, đều có thể niệm. Nếu áo mũ tề chỉnh, tay và mặt sạch sẽ, niệm ra tiếng hoặc niệm thầm đều được. Nếu ngủ nghỉ và áo mũ chẳng chỉnh tề, còn chưa rửa ráy, súc miệng, hay đến chỗ bất tịnh, hoặc lúc đại tiểu tiện, đều phải niệm thầm, đừng niệm ra tiếng. Dù ngủ cũng chẳng nên lõa lồ, hãy nên mặc quần áo, trong tâm thường giữ lòng kính sợ, chớ nên phóng túng.
    Muốn thâu nhiếp vọng niệm thì điều thiết yếu bậc nhất là phải giữ lòng cung kính, thường [nghĩ] như thân đang đối trước đức Phật, chẳng dám dấy lên những thứ suy tưởng khác. Điều thiết yếu thứ hai là từng câu, từng chữ trong tâm phải niệm cho rõ ràng, rành rẽ, nơi miệng niệm cho rõ ràng, rành rẽ thì vọng tưởng sẽ dần dần tiêu diệt. Dẫu niệm thầm cũng phải nghe, bởi tâm vừa dấy niệm liền có tiếng. Tai chính mình nghe tiếng trong tâm của chính mình, đương nhiên rõ ràng, rành rẽ.
    Trong kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ Tát nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa, đấy là bậc nhất”, chú trọng ở nơi nghe. Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Tâm là ý căn, miệng là thiệt căn, nghe chính là nhĩ căn. Tâm niệm, miệng niệm, tai nghe. Hễ ba căn này được nhiếp rồi thì mắt cũng chẳng thể ngó Đông ngóng Tây, mũi cũng chẳng thể ngửi khí vị khác, thân cũng chẳng dám buông lung, giải đãi, vì thế gọi là “nhiếp trọn sáu căn”. Nhiếp trọn sáu căn để niệm sẽ tự không có vọng niệm ô tạp, nên gọi là “tịnh niệm”. Tịnh niệm ắt phải thường thường tiếp nối chẳng đoạn, vì thế gọi là “tịnh niệm tiếp nối”. Nếu tịnh niệm tiếp nối, lâu ngày chầy tháng sẽ đắc Niệm Phật tam-muội. Cách “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” này là diệu pháp bậc nhất để đắc tam-muội. Vì thế nói: “Đắc Tam Ma Địa, đấy là bậc nhất”. Tam Ma Địa chính là tên khác của tam-muội. Niệm như thế, chắc chắn sẽ có ngày được “tịnh niệm thường tồn tại, vọng niệm hoàn toàn không còn!”
    Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ, đã từng cự tuyệt hết thảy thư từ. Thương lòng thành của ông nên giảng cho ông về cách nhiếp tâm và biện pháp thỉnh kinh sách, nhưng kinh sách đã lâu sợ rằng chẳng còn nữa, dẫu mượn chẳng được cũng có lợi ích. Nếu mượn được, hãy hành theo đó thì vãng sanh sẽ là điều chắc chắn đạt được!

8. Thư trả lời cư sĩ Lý Cát Nhân

... Niệm Phật cần phải nhiếp tâm khiến cho tạp niệm không do đâu khởi lên được. Nếu muốn nhiếp tâm thì hãy nên lắng nghe. Nếu nghe từng câu từng chữ cho rõ ràng thì tự nhiên tâm sẽ chẳng đến nỗi tán loạn quá mức, dẫu không quán tưởng mà cũng giống như đang nhập quán. Nếu chẳng thể nhiếp tâm được thì quán cảnh chẳng rõ ràng, lý tánh chẳnh rành rẽ, lầm lạc muốn được sanh trong Thượng Phẩm, mặc theo ý mình quán tưởng sẽ bị ma dựa phát cuồng nhiều lắm!
    Há cứ phải quán tưởng thì mới có thể vãng sanh Thượng Phẩm được ư? Niệm [Phật] đến mức nhất tâm kèm thêm đại Bồ Đề tâm, lại còn tự hành, dạy người, hành rộng rãi Lục Độ, ai mà chẳng lên được Thượng Phẩm? Nhưng lấy quán tưởng làm nhân cho Thượng Phẩm thì cũng là một cách nói từ xưa đến giờ [dành riêng cho một hạng căn tánh nào đó], chứ nhiếp tâm niệm Phật là đạo để [căn cơ] thượng - trung - hạ cùng tu, lợi ích đạt được sẽ tùy theo [căn tánh và sự tu tập của] từng người mà chia ra lớn - nhỏ. Nếu quán tưởng mà chẳng hiểu biết nguyên do thì quyết chớ nên mù quáng tu tập vì có thể bị ma dựa!

9. Thư trả lời cư sĩ Đinh Phước Bảo (thư thứ bảy)

... Quang hiện đang đả thất, xin đừng gởi thư đến. Dẫu có chuyện cần phải bàn bạc cũng nên đợi tới tháng Ba năm sau. Nếu gởi thư đến trước tháng Ba, nhất quyết chẳng vâng mệnh phúc đáp, xin hãy từ bi lượng thứ.
    Một pháp Niệm Phật hãy nên lấy kinh luận Tịnh Độ làm chuẩn. Chúng sanh đời Mạt nghiệp nặng chướng sâu, tu Quán theo Quán Kinh vẫn khó thể thành tựu! Do vậy, chư Tổ của Liên Tông phần nhiều đều chuyên lấy trì danh làm pháp tu chủ yếu vì trì danh dễ dàng, hễ niệm liên tục bèn vãng sanh. Phương pháp nhiếp tâm có nhiều thứ, chứ chẳng phải một, tùy theo căn khí của mỗi người mà áp dụng sẽ tự được lợi ích. Nếu xét tới pháp thiết yếu nhất, nói chung chẳng pháp nào hơn được tám chữ “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” của đức Đại Thế Chí.
    Pháp môn Niệm Phật tam-muội của Đại Tâm tuy mỗi mặt đều có chỗ thấy biết thông suốt, nhưng chẳng thể dùng để dạy khắp mọi người vì hạ căn chẳng thể tu được, còn thượng căn tuy có thể tu nhưng không bắt buộc phải dùng phương pháp này! Trong nhan đề của sách, chữ Phật viết nguệch ngoạc, cổ quái, đủ thấy người ấy trong xử sự hằng ngày chưa thể chí thành khẩn thiết đối với Phật! Phàm những thói quen xấu như vậy hãy nên tận lực ngăn ngừa!

10. Thư gởi cư sĩ Đinh Phước Bảo (thư thứ mười)

    Pháp sư Ngọc Phong tuy hành trì tốt đẹp, nhưng kiến giải về mặt lý nhiều chỗ thiên vị. Tu theo những điều được nói trong các trước thuật của Ngài thì cũng được vãng sanh, nhưng những lời thiên chấp chưa khỏi gây trở ngại lớn lao. Ngay như cuốn Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết của ngài, về ý thì cũng không có chỗ nào chẳng tốt đẹp, nhưng dùng từ ngữ, lập luận thật mâu thuẫn với những bậc cổ đức. “Chẳng trừ vọng tưởng, chẳng cầu nhất tâm” là đã trái nghịch, lầm lạc với toàn thể. Kinh dạy người ta nhất tâm, Sư lại dạy người ta chẳng cầu. Chẳng trừ vọng tưởng mà có thể đạt được nhất tâm hay sao? Chọn lấy pháp bậc thượng, chỉ đạt được bậc trung. Há có nên vì chẳng thể đạt được mà chẳng giữ lấy pháp ấy hay sao? Nếu do chẳng đạt được mà dạy người khác chẳng giữ lấy pháp ấy thì chính là dạy người khác học theo pháp bậc hạ vậy!
    Đại Thế Chí Bồ Tát nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Sư cực lực dạy người khác tán tâm niệm, chẳng tán dương nhiếp tâm niệm. Niệm Phật tuy hết thảy vô ngại, nhưng muốn đích thân chứng được tam-muội thì cố nhiên giữ tâm cho tịnh vẫn tốt hơn. Nếu chẳng thể tịnh thì cũng không trở ngại gì, đấy chính là “ngay trong nơi động mà tịnh!” Sư một mực coi tịnh là tà, cho rằng [cố giữ cho tâm tịnh] là trái nghịch rất lớn ý chỉ “chấp trì danh hiệu, nhớ Phật, niệm Phật”, lỗi ấy không thể nào diễn tả được!
    Hơn nữa, một pháp Niệm Phật bao gồm trọn vẹn hết thảy pháp môn trong một đời [giáo hóa của đức Phật], mà một chữ Tịnh vẫn bị đặt ra bên ngoài thì há có đáng gọi là vị chân thiện tri thức trong Tịnh tông hay chăng? Mong lần sau tái bản hãy gạt bỏ [mục viết về sách] Tứ Đại Yếu Quyết ngõ hầu kẻ sơ cơ chẳng đến nỗi mắc bệnh, mà người thông suốt cũng không do đâu mà chê cười được! Hoằng pháp lợi sanh thật chẳng phải là chuyện dễ dàng! Hễ hơi thiên chấp, bao mối tệ chen chúc nẩy sanh, chẳng thể không cẩn thận!

11. Thư trả lời cư sĩ Hạ Thọ Kỳ

    Cha ông tuổi đã cao, hãy nên khuyên cụ lập tức toàn thân buông xuống, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Lúc niệm trong tâm phải niệm cho rõ ràng, miệng niệm cho rõ ràng, tai nghe cho rõ ràng. Dẫu chẳng mở miệng, niệm thầm trong tâm thì vẫn phải từng câu từng chữ nghe cho thật rõ ràng, vì tâm vừa khởi niệm liền có tướng của tiếng! Tai chính mình nghe tiếng trong tâm của chính mình vẫn rành rẽ, rõ ràng. Nếu thường nghe được rõ ràng thì tâm sẽ quy về một chỗ, tinh thần chẳng rong ruổi bên ngoài. Vì thế, mắt cũng chẳng nhìn chi khác, mũi không ngửi gì khác, thân cũng chẳng buông lung, cho nên gọi là “nhiếp trọn sáu căn”. Niệm Phật như thế gọi là “tịnh niệm” (ba câu này, Sư tự khuyên đậm thêm). Do nhiếp tâm nơi Phật hiệu thì tuy chưa thể hoàn toàn không có tạp niệm, nhưng đã giảm nhẹ nhiều lắm! Nếu có thể thường xuyên giữ cho liên tục thì ở mức độ nông cạn là đắc nhất tâm bất loạn, mức độ sâu là đắc Niệm Phật tam-muội. Đây chính là ý nghĩa trọng yếu để lúc thường ngày gắng chuyên tâm dốc chí.

12. Lời tựa cho [ấn bản] Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh được viết theo lối chữ Khải để tặng đại chúng đọc tụng

... Chỉ có pháp môn Tịnh Độ đặc biệt “cậy vào thệ nguyện từ bi của đức Di Đà và sức tín nguyện ức niệm của chính mình”, đến lúc lâm chung được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương [là thỏa đáng]! Nếu là hạng Thượng Thượng Căn sẽ mau chứng Vô Sanh, dẫu là kẻ Hạ Hạ Căn vẫn được dự vào dòng thánh! Lợi ích ấy làm sao diễn tả được? Nghĩa này là nghĩa quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm; đừng vì Quang là kẻ kém cỏi mà cho là sai lầm, bịa đặt!
    Nếu chúng ta có thể đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha như con nhớ mẹ, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối để niệm, thì hai tầng công phu “xoay cái niệm để niệm nơi tự tánh” của đức Thế Chí và “xoay cái nghe để nghe nơi tự tánh” của đức Quán Âm sẽ hòa lẫn trong một tâm để niệm hồng danh vạn đức của Như Lai. Lâu ngày chầy tháng, cái tâm nghiệp thức chúng sanh sẽ trở thành Như Lai Bí Mật Tạng, đấy gọi là “dùng Quả Địa Giác làm Nhân Địa Tâm, cho nên nhân trùm biển quả, quả tột nguồn nhân”. Người có duyên gặp được, mong chớ coi rẻ. Đấy là đường vào cửa Niết Bàn của vi trần đức Phật, huống gì chúng ta là người đời Mạt Pháp há dám chẳng noi theo?

13. Thư trả lời cư sĩ Ngô Hy Đạo

    Con người sống trong thế gian điều quan trọng nhất là thân cận thầy lành bạn tốt. Có thầy lành bạn tốt thì sẽ có thể trở về chánh đạo. Nếu không, bạn bè nhậu nhẹt tụ họp, hằng ngày xen lộn với phường hạ lưu, bệnh tật cũng do đó thường chẳng lành được! Pháp môn Tịnh Độ không gì lớn lao ra ngoài được, nhưng kẻ thiếu hiểu biết thường coi nhẹ. Ông đã trì danh, nhưng tâm chưa quy nhất là vì nghiệp chướng sâu đậm vậy! Lúc niệm phải giữ tấm lòng kính sợ, niệm khởi từ nơi tâm, tiếng phát ra từ miệng, âm thanh lọt vào tai, phải sao cho nghe từng câu rõ ràng, từ sáng đến tối [lúc nào] không phải dùng tâm để làm việc thì thường niệm. Niệm lớn tiếng, nhỏ tiếng, niệm thầm trong tâm đều phải nghe, bởi tâm vừa khởi niệm liền có tướng của tiếng. Tai của chính mình nghe tiếng trong tâm của chính mình là chuyện hết sức rõ ràng. Sáng tối lập một công khóa, hoặc tụng một biến kinh Di Đà, ba biến chú Vãng Sanh, rồi niệm kệ Tán Phật, niệm Phật, hoặc một ngàn hay tám trăm câu, hay năm trăm câu, tùy theo mỗi người mà lập ra công phu. Nếu quá bận thì dùng cách sáng tối Thập Niệm.
    Ngoại trừ lúc thực hiện công khóa sáng tối ra, đi, đứng, nằm, ngồi đều phải niệm. Chỉ cầu tâm quy nhất, chẳng nhất định phải cầu tướng lành. Vì nếu tâm đã quy nhất sẽ khác với lúc tâm phập phều, tán loạn. Nếu chẳng chú trọng tâm quy nhất, thường mong thấy được tướng lành, rất có thể ma sự khởi lên, chẳng thể không biết! Chí thành khẩn thiết lắng nghe, chắc chắn chẳng đến nỗi ma sự dấy lên! “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” chính là cách niệm Phật mầu nhiệm nhất.

14. Thư gởi cư sĩ Trương Tịnh Giang

    Nghe cư sĩ niệm Phật đã lâu, chẳng biết có chú ý nơi tín nguyện cầu sanh Tây Phương hay chăng? Trong Phật pháp, pháp môn vô lượng, bất luận Đại, Tiểu, Quyền, Thật, hết thảy pháp môn đều phải dùng Giới - Định - Huệ để đoạn tham - sân - si cho hết sạch không còn sót thì mới có thể liễu sanh thoát tử. Điều này khó như lên trời, chẳng phải là chuyện hàng phàm phu sát đất đầy dẫy triền phược như chúng ta mà hòng mong mỏi được. Nếu dùng lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, cầu sanh Tây Phương thì bất luận công phu cạn hay sâu, công đức lớn hay nhỏ, đều có thể cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Điều này giống như ngồi chiếc tàu thủy to vượt biển, chỉ chịu lên tàu liền có thể đến được bờ kia, ấy là nhờ sức tàu chứ chẳng phải bản lãnh của chính mình. Tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương cũng giống như thế, hoàn toàn là Phật lực, chứ không phải đạo lực của chính mình.
    Hễ đã sanh về Tây Phương thì sanh tử đã liễu, phiền não chẳng sanh, đã giống như người vận dụng công phu tại nơi ấy đã lâu, đã đoạn sạch phiền não liễu sanh tử. Vì thế, niệm Phật quyết định phải cầu sanh Tây Phương, chớ nên cầu phước báo trời người trong đời sau, chớ nên nương theo những kẻ rời lìa tín nguyện, chỉ dẫn người khác niệm Phật cầu khai ngộ. Niệm Phật cốt yếu là nhiếp trọn sáu căn. Trong lúc niệm Phật, nhiếp tai lắng nghe kỹ, đấy chính là biện pháp để nhiếp sáu căn. Có thể chí tâm lắng nghe kỹ thì công đức so với việc “chẳng lắng nghe, niệm tán loạn” khác biệt rất lớn. Pháp này bất luận người thượng, trung, hạ căn đều dùng được, đều được lợi ích, chỉ có lợi, không điều tệ. Hãy nên bảo hết thảy mọi người tu đều tu theo đây. Tôi vốn muốn nói cặn kẽ, nhưng do không có thời giờ, sợ trễ tràng chuyến trở về của ông, nên chỉ viết đại lược những nghĩa lý trọng yếu. Những điều khác đã nói tường tận trong Văn Sao, Gia Ngôn Lục, đọc rồi sẽ tự biết hết.

15. Thư trả lời cư sĩ Úc Trí Lãng

    Tục ngữ nói: “Phú ông bất tri bần nhân chi khổ, tráng phu bất tri lão nhân chi khổ” (Phú ông chẳng biết nỗi khổ kẻ nghèo, người khỏe mạnh chẳng biết nỗi khổ của người già). Ông cho rằng Quang cự tuyệt chẳng qua là để tịnh tu mà thôi ư? Ông chẳng biết thật ra là vì mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ. Chỉ nội chuyện đọc thư ông gởi đến và để viết thư trả lời thì kiếng đeo mắt lẫn kiếng cầm tay (kính lúp) đều phải dùng đến hết, mới xem, mới viết được! Giấy trắng ngần lóa mắt, không viết được chữ nào. Niệm Phật tam-muội cũng chẳng dễ gì đạt được. Nếu chẳng tự lượng, rất có thể bị ma dựa. Phải biết: Vãng sanh Tịnh Độ hoàn toàn cậy vào tín - nguyện. Có tín - nguyện, dẫu chưa đắc tam-muội, chưa đắc nhất tâm bất loạn, vẫn có thể vãng sanh. Hãy đừng chỉ lấy nhất tâm bất loạn và đạt được Niệm Phật tam-muội làm chí hướng, sự nghiệp, rồi chẳng dốc chí vào tín nguyện và tịnh niệm (nhiếp trọn sáu căn mà niệm là “tịnh niệm”. Lúc niệm Phật, thường nghe âm thanh niệm Phật của chính mình, tức là chỗ để thực hiện việc “nhiếp trọn sáu căn”. Hãy nên chú ý). Sợ rằng chí lớn, ăn nói lớn lối, sẽ chẳng được lợi ích thật sự vì chẳng chú trọng tín nguyện, chẳng thể cảm ứng đạo giao cùng Phật, vẫn làm một chúng sanh khổ sở trong đời ác Ngũ Trược này!
    Đối với bài Cảnh Sách của ngài Ngẫu Ích (tức bài Bệnh Khởi Cảnh Sách Kệ của ngài Ngẫu Ích trong Linh Phong Tông Luận) như ông đã nói đó, hãy nên thỉnh người viết chữ đẹp viết bằng chữ to, ngay ngắn, cẩn thận, treo trên vách trong sân để khơi gợi tín tâm của hết thảy mọi người, đấy thật là ý nghĩa quan trọng. Còn chuyện ông xin soạn thêm bài Cảnh Sách khác thì những điều được nói trong Văn Sao đều chẳng đáng để dùng làm Cảnh Sách hay sao? Thời cuộc hiện tại nguy ngập đến cùng cực, hãy nên khuyên mọi người già trẻ trong nhà cùng niệm nam-mô A Di Đà Phật và niệm nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát để làm kế dự phòng. Nếu không, khi tai họa xảy đến, trốn lánh cũng không được, đề phòng cũng không xong, biết làm sao được? Hãy nên đem lời này nói với hết thảy những ai có sự hiểu biết, ngõ hầu những ai nghe đến được gieo thiện căn xuất thế. Sau này đừng gởi thư đến nữa, phàm những chuyện viết lời tựa, ghi lời bạt, giảo chánh đều nhất loạt chẳng thể thù tiếp!

16. Thư trả lời Huyễn Tu đại sư

    Tông chỉ niệm Phật là sanh lòng tin chân thật (tức Tín), phát nguyện thiết tha (tức Nguyện), chuyên trì Phật hiệu (tức Hạnh. Tín - Nguyện - Hạnh là tông chỉ của Niệm Phật). Phương pháp dụng công niệm Phật hay nhất chính là “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. “Nhiếp trọn sáu căn” chính là cái tâm niệm Phật chuyên chú nơi danh hiệu Phật, tức là thâu nhiếp ý căn. Miệng phải niệm cho rõ ràng, rành rẽ, tức là thâu nhiếp thiệt căn. Tai phải nghe cho rõ ràng, rành rẽ, tức là thâu nhiếp nhĩ căn. Gom ba căn này vào Phật hiệu thì chắc chắn mắt chẳng thể nhìn loạn. Lúc niệm Phật, mắt phải khép hờ, tức là rủ mí mắt xuống, đừng có mở to mắt. Mắt đã nhiếp thì mũi cũng chẳng ngửi loạn, tức là mũi cũng được nhiếp. Thân phải cung kính, tức là thân cũng được nhiếp. Sáu căn đã nhiếp chẳng tán loạn thì tâm không vọng niệm, chỉ nghĩ đến Phật thì mới là tịnh niệm. Sáu căn chẳng nhiếp thì dù có niệm Phật, vọng niệm trong tâm vẫn tưng bừng, khó được lợi ích thật sự! Nếu có thể thường nhiếp trọn sáu căn để niệm thì gọi là “tịnh niệm tiếp nối”. Thường giữ được tịnh niệm tiếp nối chính là nhất tâm bất loạn, dần dần sẽ đạt được Niệm Phật tam-muội.

17. Bài ký về chuyện xây dựng đại điện của đạo tràng chuyên tu Tịnh nghiệp tại núi Linh Nham

... Các kinh Đại Thừa nói kèm về Tịnh Độ nhiều không thể kể xiết, nhưng chương Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm quả thật là khai thị mầu nhiệm nhất về pháp Niệm Phật. Nếu có thể như con nhớ mẹ, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối mà niệm, há chẳng trong hiện tại hay tương lai nhất định thấy Phật, gần là chứng viên thông, xa là thành Phật đạo ư?

18. Lời tựa trình bày duyên khởi của Tịnh Niệm Liên Xã tại trấn Hợp Hưng, thành phố Phụ Ninh

... Phải biết: Pháp môn Niệm Phật lấy ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh làm Tông. Điều quan trọng của Niệm Phật là “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Muốn “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” thì bất luận đi - đứng - nằm - ngồi hãy thường niệm Phật hiệu, hoặc niệm ra tiếng, hoặc niệm thầm, đều cần phải lắng nghe tiếng niệm Phật của chính mình. Nếu làm được như thế thì nghiệp tiêu, trí rạng, chướng tận, phước cao, phàm làm bất cứ điều gì đều thuận lợi. Đối với những nghề nghiệp sĩ - nông - công - thương chẳng những hoàn toàn không trở ngại gì mà còn có thể khơi mở tâm linh nơi nghề nghiệp của chính mình; do vì tâm không tán loạn sẽ tự chủ trong công việc. Như [đối trước] mọi lẽ rối ren, nếu tâm thần ngưng lặng sẽ [giải quyết] dễ dàng; nếu tâm thần chao động sẽ gặp khó khăn. Do vậy, những bậc lập đại công, dựng đại nghiệp thuở xưa, công huân trùm bốn biển, ngôn hạnh lưu lại ngàn thu, đều là do học Phật đắc lực mà ra!

19. Lời tựa cho bộ Di Đà Thánh Điển

... Ba là trì danh, tức là nhất tâm xưng niệm thánh hiệu A Di Đà Phật.
    Ba cách niệm Phật này tuy cách thức khác nhau, nhưng đều cần phải có lòng tin chân thành, nguyện thiết tha thì mới cảm ứng đạo giao cùng đức Phật được, mới có thể chắc chắn trong đời này lìa khỏi cõi Sa Bà này, sanh sang cõi Cực Lạc kia.
    Trong bốn thứ niệm Phật này, chỉ có Thật Tướng Niệm Phật là đế lý sâu xa nhất, nhưng chẳng dễ gì tu được! Do cậy vào Giới - Định - Huệ và sức tham cứu, quán chiếu, soi xét của chính mình, chứ không có Tha Lực nào khác phụ trợ, nếu chẳng phải là hạng túc căn chín muồi thì ngộ còn chưa dễ gì đạt được, huống là thật chứng! Chỉ có Trì Danh Niệm Phật, thực hiện dễ dàng nhất, thành công nhanh nhất! Nếu có thể nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm liên tục ắt sẽ đích thân chứng được Niệm Phật tam-muội ngay trong đời này, lâm chung chắc chắn vãng sanh Thượng Phẩm. Dẫu căn cơ hèn kém, chưa chứng được tam-muội, chỉ dùng lòng tin chân thành trì danh hiệu Phật như con nhớ mẹ, luôn luôn chẳng gián đoạn, đến khi lâm chung cảm ứng đạo giao, nương theo Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Chúng sanh đời Mạt chỉ có pháp này để nhờ cậy. Nếu không, chỉ gieo được cái nhân cho đời sau, khó được lợi ích thật sự!
    Nếu có thể chí tâm trì niệm, niệm đến khi “toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm, không niệm mà niệm, niệm mà không niệm, tâm lẫn Phật cùng tỏ rạng, lại cùng mất hẳn” thì diệu lý Thật Tướng sẽ hiện rõ rành rành, y báo, chánh báo cõi Tây Phương triệt để hiện trọn vẹn. Tuy trì danh nhưng đạt Thật Tướng sâu xa, chẳng quán tưởng mà đích thân thấy được Tây Phương! [Pháp trì danh] nhiếp thọ căn cơ phổ biến nhất, được lợi ích sâu xa nhất, lợi lạc nhất cho kẻ độn căn trong đời Mạt Pháp, thỏa thích lớn lao bản hoài xuất thế của Như Lai. Vì thế, từ xưa hàng tri thức phần nhiều đều chuyên chú nơi một môn Trì Danh. Đây là nói đại lược về cách niệm Tha Phật vậy.

20. Thư trả lời cư sĩ Từ Chí Nhất

... Trước đây, thầy đã gởi pháp danh, kinh sách [cho con]. Thư lần này gởi đến, con chỉ ghi là “cẩn bẩm” (kính thưa), không khỏi quá ngạo mạn! Pháp Niệm Phật tùy theo cơ nghi, chớ nên chấp chặt. Nhưng trong hết thảy pháp, chọn lấy một pháp quan trọng nhất thì không chi bằng “lắng tai nghe kỹ”: Niệm từ tâm khởi, tiếng từ miệng phát ra, âm thanh lọt vào tai; đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm như thế, nghe như thế. Niệm lớn tiếng, nhỏ tiếng, niệm thầm trong tâm, đều nghe như thế. Khi niệm thầm, trong tâm vẫn có tướng của tiếng, chứ không phải là không có tiếng. Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương có câu: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc tam-ma-địa, ấy là bậc nhất”. Khi niệm Phật có thể lắng tai nghe kỹ chính là cách nhiếp trọn sáu căn. Bởi lẽ, tâm niệm thuộc về Ý Căn, miệng niệm thuộc về Thiệt Căn, tai nghe thì mắt chẳng nhìn chi khác, mũi chẳng ngửi gì khác, thân chẳng buông lung, biếng nhác. Vì thế gọi là “nhiếp trọn sáu căn”. Nhiếp trọn sáu căn để niệm thì tạp niệm dần dần dứt, cho đến không còn, vì thế gọi là “tịnh niệm”.
    Thường giữ cho tịnh niệm liên tục chẳng gián đoạn sẽ đạt được Niệm Phật tam-muội. Tam Ma Địa chính là tên khác của tam-muội. Chúng ta tùy phần tùy sức niệm, tuy chưa thể đạt ngay được tam-muội, nhưng sẽ gần với tam-muội. Chớ nên nghĩ là dễ dàng rồi muốn mau đạt, kẻo sẽ dấy lên các ma sự! Người đắc Niệm Phật tam-muội thì trong đời này đã dự vào địa vị thánh nhân. Vì thế, hãy nên tự lượng! Pháp Tùy Tức chính là pháp thứ chín được nói trong môn Thử Sanh Tha Sanh Thập Niệm Nhất Niệm (đời này, đời khác, mười niệm, một niệm) của cuốn Bảo Vương Tam Muội Luận, tức cuốn thứ năm của bộ Tịnh Độ Thập Yếu, xem [sách ấy] sẽ tự biết. Vì thế, chẳng cần phải nói nhiều. Mong hãy sáng suốt soi xét. Đang trong lúc đại kiếp đối đầu, quốc gia lẫn thân mạng mất - còn chẳng chắc này, cố nhiên nên nhất tâm niệm Phật, niệm Quán Âm để cầu hòa bình. Đừng nên hờ hững cầu tri giải mở mang để mong trở thành bậc thông gia vậy!

21. Thư trả lời cư sĩ Tôn Nghệ Dân

... Đối với pháp tắc tu trì thì Văn Sao là sách trọng yếu cho kẻ sơ cơ nhập đạo, chẳng thể không xem. Người niệm Phật khi tịnh tọa cũng phải niệm Phật, chứ không như ngoại đạo chỉ tịnh tọa mà thôi. Niệm Phật đi - đứng - nằm - ngồi đều có thể niệm được. Khi đi, niệm ra tiếng hay niệm thầm tùy ý. Khi nằm, hãy nên niệm thầm trong tâm, đừng nên niệm ra tiếng. Lúc ngồi chớ nên lần chuỗi, lần chuỗi thì tinh thần chẳng định được, lâu ngày sẽ mắc bệnh. Khi nằm cũng thế. Bất luận đi - đứng - nằm - ngồi, niệm ra tiếng hay niệm thầm, đều phải từng câu từng chữ nơi tâm nơi miệng niệm cho rõ ràng, tai nghe cho rõ ràng. Niệm thầm chẳng mở miệng thì trong tâm vẫn có tiếng, tai của chính mình nghe tiếng trong tâm của chính mình, chẳng khác gì mở miệng niệm ra tiếng rõ ràng. Đấy là diệu pháp niệm Phật thiết yếu nhất, lại chẳng tốn sức!
    Trong kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ Tát nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc tam-ma-địa, ấy là bậc nhất”. Tai nghe được rõ ràng thì sáu căn đều nhiếp không còn sót. Niệm như thế gọi là tịnh niệm. Nếu thường liên tục tịnh niệm thì sẽ đạt được Niệm Phật tam-muội. Xin hãy nỗ lực hành theo, chắc chắn có thể thoát khỏi cõi Ngũ Trược này, lên được cõi sen chín phẩm kia. Phàm thấy hết thảy nữ nhân đều tưởng như mẹ, chị, em gái, con gái, ngay cả với vợ mình cũng nên tưởng như thế thì con ma dâm dục không làm gì được ông! Niệm Phật cầu sanh Tây Phương dùng lòng tin chân thành, nguyện thiết tha để dẫn đường, lấy chí thành trì niệm làm chuyện tu hành chánh yếu; đừng nên cầu khai ngộ, minh tâm kiến tánh, khán câu “người niệm Phật là ai?” Đấy là công phu của người tham Thiền! Dù có minh tâm kiến tánh mà Kiến Hoặc, Tư Hoặc chưa đoạn, vẫn trọn chẳng có phần liễu sanh tử! Huống kẻ chưa đạt đến địa vị minh tâm kiến tánh ư? Đấy chính là những kẻ cậy vào tự lực để liễu sanh tử.
    Niệm Phật là pháp môn cậy vào Phật lực để liễu sanh tử. Nếu khán câu “người niệm Phật là ai?” chắc chắn không có lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, do chưa đoạn Hoặc sẽ chẳng thể cậy vào tự lực để liễu sanh tử; do không có lòng tin chân thành nguyện thiết tha nên chẳng thể cậy vào Phật lực để liễu sanh tử. Cầu thăng hóa đọa, biến khéo thành vụng, rất nhiều kẻ si đều tưởng đấy là cao siêu, huyền diệu, đáng thương quá sức! Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Tịnh, nghĩa là dùng pháp môn Tịnh Độ đã được nói từ trí huệ của Phật để tu tập, hòng quyết định được vãng sanh Tịnh Độ.

22. Thư trả lời đại sư Minh Tánh

    Nhận được thư đầy đủ cả. Khen ngợi tôi quá lố khiến cho người ta bất an! Quang làm người, lòng nghĩ thế nào miệng nói toạc ra như thế ấy, chẳng khen ngợi người khác quá lố, chẳng nhận tiếng khen của người khác. Tuổi tuy tám mươi nhưng chẳng biết một điều gì! Vì thế, chỉ lấy niệm Phật làm phương kế tự giải thoát, nhưng do nghiệp nặng, trọn chẳng có sở đắc gì, do có sáu chục năm trải đời nên những lời nói ra chẳng đến nỗi chán tai người khác! Tọa hạ đã chẳng coi rẻ Văn Sao là hủ bại, dơ bẩn, thì hãy nên y theo những gì Văn Sao đã nói để tu tập, quyết chẳng đến nỗi làm hỏng đại sự của ngài. Còn như chuyện đến núi thì quả thật không cần thiết! Pháp môn Tịnh Độ trọn chẳng có chuyện “miệng truyền, tâm trao”, tùy ý để người khác tự hành lãnh hội từ nơi kinh giáo, trước thuật, không có gì là không được cả!
    Chín vị tổ của Liên Tông không phải là mỗi vị đều được đích thân truyền ngôi vị Tổ như trong các tông mà là do người đời sau chọn lựa dựa trên công lao hoằng dương Tịnh tông sâu đậm của các Ngài mà xưng tụng như thế, chứ thật ra đâu phải chỉ có chín hay mười vị! Quang sau khi xuất gia, phát nguyện chẳng thâu nhận đồ chúng, chẳng làm Trụ Trì, chẳng làm giảng sư, cũng chẳng tiếp nhận pháp của người khác. Vào thời Đường - Tống vẫn còn có pháp truyền tâm ấn của Phật, chứ nay chỉ còn dòng phái các đời [truyền thừa] mà thôi, gọi là “pháp” cũng đáng tội nghiệp quá! Tịnh tông trọn chẳng có chuyện ấy.
    Đến núi vẫn chẳng hữu ích bằng đọc sách! Cổ nhân nói: “Gặp mặt chẳng bằng nghe tên”. Dẫu có đến đây thì những gì tôi sẽ nói với tọa hạ vẫn là những lời lẽ trong Văn Sao, nào có bí pháp đặc biệt sâu mầu nào đâu? Mười mấy năm trước, cuối lá thư gởi cho Ngô Bích Hoa, tôi đã viết: “Có một bí quyết tha thiết bảo ban: Cạn lòng thành, tận lòng kính, mầu nhiệm vô cùng!” Hơn nữa, cuối chương Thế Chí Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm có nói: “Phật hỏi pháp Viên Thông, con không chọn lựa, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa, ấy là bậc nhất”. “Không chọn lựa” là dùng trọn khắp Căn, Trần, Thức, Đại để niệm Phật. Niệm Phật cậy vào Phật lực để liễu sanh tử, nhà Thiền cậy vào tự lực để liễu sanh tử. Người đời nay ngộ được còn chẳng thấy nhiều, huống là bậc chứng Tứ Quả (Tạng giáo) và Thất Tín (Viên giáo) ư? (Tứ Quả, Thất Tín mới liễu sanh tử). Chỗ để thực hiện “nhiếp trọn sáu căn” là nơi nghe. Bất luận niệm lớn tiếng hay niệm nhỏ tiếng, hoặc chẳng mở miệng niệm thầm trong tâm, đều phải nghe từng câu từng chữ cho rành rẽ. Đấy chính là bí quyết niệm Phật. Ba thứ Tín - Nguyện - Hạnh là cương yếu của Tịnh Độ. “Nhiếp trọn sáu căn” là bí quyết niệm Phật. Biết được hai điều này rồi thì chẳng cần phải hỏi ai nữa!

23. Thư trả lời cư sĩ Phương Thánh Chiếu (thư thứ hai)

    Người già nên lấy niệm Phật làm Chánh Hạnh. Chép kinh phải chí thành, cung kính, chẳng cẩu thả một nét bút nào. Lại cần phải giảo chánh, đối chiếu tường tận, chẳng để cho sai sót. Nếu có sai sót, hãy nên chép chữ khác, chớ nên bôi sửa, viết thêm vào, để lâu ngày khỏi bị kẻ tánh tình cẩu thả bỏ sót mất. Chép một câu liền đối chiếu một câu; chép một hàng, đối chiếu một hàng. Chép xong một trang thì lại đối chiếu tường tận [cả trang] hai ba lượt thì mới có thể không bị sai sót. Nếu bị sai sót mà chẳng muốn chép lại cả trang thì đánh dấu chữ sai, viết chữ đúng vào bên cạnh; ngàn vạn phần chớ nên xóa sửa, giậm thêm nét. Chữ ông không đẹp lắm, không cần phải chép Hoa Nghiêm nữa. Do chữ không đẹp lắm, người đời sau sẽ chẳng rất chú trọng, nhất tâm niệm Phật còn hay hơn!
    Nếu niệm Phật có vọng tưởng thì nên vận tâm lắng nghe. Từng câu, từng chữ đều phải nghe cho rõ ràng, bất luận niệm lớn tiếng hay nhỏ tiếng hoặc niệm thầm trong tâm đều phải nghe cho rõ ràng. Lâu ngày chầy tháng, tâm tự quy nhất. Chương Đại Thế Chí Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm có câu: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa, ấy là bậc nhất”, đấy chính là pháp lắng tai nghe kỹ vậy. Hãy nên y theo đó mà niệm sẽ chẳng đến nỗi vọng tưởng tơi bời y như cũ!

24. Thư trả lời cư sĩ Bái Trúc (thư thứ ba)

    Thư đặt pháp danh quy y cho Thượng Bân đã sớm gởi đi rồi, chắc là bưu điện làm mất, hoặc là người phát thư giao lầm. Nay lại đặt pháp danh khác cho ông ta là Tông Thành. Tông là chủ, là gốc, nghĩa là lấy lòng Thành làm chủ, làm gốc, sẽ tự được tiêu nghiệp lành bệnh, chuyển yếu thành mạnh. Nói đến chuyện nàng dâu cả của người con trai thứ nhà ông bị điên cuồng cũng là do túc nghiệp gây nên; hoặc cũng do bọn ngoại đạo thấy ông phản lại giáo pháp của chúng bèn sai tà quỷ, tà thần quấy rối, muốn cho ông vẫn sùng tín giáo pháp của bọn chúng. Ông chẳng bị lay chuyển thì người bệnh cũng chẳng bị lay chuyển, bọn tà quỷ tà thần kia cũng không làm gì được người chánh khí đâu! Vì thế, ắt sẽ lành bệnh. Ngoại đạo phần nhiều có loại tà pháp ấy để lừa gạt, khiến cho những kẻ vô tri vô thức u mê.
    Nói đến chuyện đối trước đức Phật tự thọ Tam Quy Ngũ Giới thì qua lá thư gởi cho bà Từ Phước Hiền ở Từ Châu trong bộ Văn Sao, Quang đã có nói đến chuyện này, mong hãy tìm đọc. Thượng Bân đau khổ vì là người tàn phế, nhưng mỗi ngày chỉ niệm Phật hai ba ngàn câu; cớ sao mong mỏi lớn lao mà tu tập lại nhỏ nhoi đến thế? Hãy nên thường niệm suốt ngày, sẽ tự có thể đi lại như người mạnh mẽ được. Nói đến chuyện niệm Phật có lắm vọng tưởng thì hãy nên nhất tâm niệm, lắng tai nghe kỹ từng chữ từng câu, đừng để luống qua, lâu ngày chầy tháng, tâm tự quy nhất. Đấy là pháp niệm Phật tuyệt diệu nhất. Chương Đại Thế Chí [Niệm Phật] Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam-ma-địa, ấy là bậc nhất”. “Nghe” chính là pháp “nhiếp trọn sáu căn”. Pháp này bất luận người thượng trung hạ căn sử dụng đều có lợi, không có điều tệ. Phàm với hết thảy mọi người đều nên lấy chuyện “lắng nghe” để bảo ban. Những điều khác đã nói tường tận trong Văn Sao, ở đây không viết cặn kẽ.

    Tam-ma-địa (Samadhi) chính là tên khác của tam-muội, cõi này (Trung Hoa) dịch là Chánh Định hay Chánh Thọ; ý nói nhất tâm niệm Phật, chẳng bị ngoại cảnh lay động, chẳng bị tạp niệm xâm lấn. Vì thế, gọi là Chánh Định, Chánh Thọ.

25. Thư trả lời cư sĩ Thường Phùng Xuân (thư thứ năm)

    Đã nhận được bưu phiếu, từ nay đừng gởi đồ vật tới nữa. Hãy nhất tâm niệm Phật, chớ nên chuyên chú xem đọc [kinh sách] nữa! Niệm Phật là Chánh Hạnh, những lúc như đi đường chẳng hạn cần gì phải xem sách? Chỉ nên niệm Phật! Xem sách và niệm Phật là hai chuyện khác nhau. Niệm Phật đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm được. Xem sách nếu chẳng ngưng lặng tâm trí, dẹp yên lo nghĩ, sẽ chẳng hiểu được ý nghĩa. Điều quan trọng trong Niệm Phật là nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối. Muốn nhiếp trọn sáu căn, chỉ lắng nghe tiếng niệm Phật của chính mình trong một thời gian dài thì sẽ tự đạt được. Đối với chuyện đặt ra những chữ đầu cho pháp danh để đời sau nương theo đó [mà đặt pháp danh], Quang trọn chẳng tán thành chuyện này vì sẽ tạo ra thói tệ, nên chẳng khơi ra đầu mối này!

26. Thư trả lời cư sĩ Thường Phùng Xuân (thư thứ bảy)

    Thư ông và thư của Lưu Văn Chương đều nhận được đầy đủ. Tôi vốn muốn viết pháp danh trên đơn xin quy y, nhưng mục lực chẳng đủ, nên chẳng thể viết chữ nhỏ được. Do vậy bèn viết vào tờ giấy khác. Xin hãy chia ra đưa cho họ. Đối với việc khai thị, nói chung lấy “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương” làm chuẩn mực để tự hành dạy người. Cách niệm Phật thì không gì trọng yếu hơn là Nghe. Nghe thì tâm sẽ lặng vào một chỗ, đấy gọi là “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Nay gởi cho ông hai mươi lăm gói sách; những bộ sách lớn không có nhiều hãy nên giữ lại trong hội để mọi người được xem. Những cuốn sách lẻ khá nhiều, trừ những cuốn để lại trong hội ra, hãy chọn những ai thông văn lý, có lòng tin, biết cung kính để biếu tặng.
    Lưu Văn Chương hiếu học, nhưng sống nơi xa xôi, bất luận những loại sách lớn hay nhỏ mỗi thứ đều trích ra tặng cho ông ta một phần. Chớ nên gởi thư quấy nhiễu, hãy nên tự sốt sắng tu trì mà thôi! Sau khi nhận được hai mươi lăm gói sách, chỉ cần gởi một mảnh giấy báo tin đã nhận được, chớ nên lôi thôi, dài dòng! Quang mục lực chẳng đủ, đọc chữ cũng rất tốn sức, chớ nên không thông cảm, xin hãy sáng suốt soi xét và nói với mọi người.

27. Thư trả lời cư sĩ Trương Thự Tiêu (thư thứ tám)

    Bao nhiêu kẻ thông minh trong thế gian đều bị lầm lạc bởi “chi, hồ, giả, dã” [1], suốt đời chẳng được lợi ích thật sự. Cư sĩ kiếp trước đã gieo huệ căn, thật là khó được; nhưng do lắm tri nhiều kiến, đâm ra thành chướng ngại! Đã tin pháp môn Tịnh Độ, sao chẳng chết lòng tu tập pháp này mà lại tu những pháp Quán “xoay trở lại nghe nơi tánh Nghe, đếm hơi thở, duy thức” v.v… Các pháp ấy đều là pháp môn Đại Thừa, nhưng đều thuộc về tự lực, chẳng thể sánh bàn với lợi ích của pháp môn cậy vào Phật lực được! Nay đã phát tâm niệm Phật, hãy nên lấy “tâm tương ứng với Phật, lúc sống đạt được nhất tâm bất loạn, khi báo thân đã tận liền lên Thượng Phẩm cõi Cực Lạc” làm chí hướng, sự nghiệp, chẳng cần phải cầu đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh.
    Tông môn chú trọng khai ngộ, Tịnh tông chú trọng vãng sanh. Kẻ khai ngộ mà chẳng được vãng sanh trong trăm người có đến chín mươi kẻ. Người vãng sanh mà chẳng khai ngộ thì trong vạn người chẳng có một ai. Chẳng hiểu đúng nghĩa này, chắc sẽ đến nỗi do cầu khai ngộ mà đâm ra chẳng chú trọng vãng sanh, lầm lẫn lớn lắm! Nay tu pháp môn Niệm Phật, hãy nên theo như Đại Thế Chí Bồ Tát đã dạy, lòng Thành như con nhớ mẹ, tu thật hạnh “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Nếu chết sạch được cái lòng mong ngóng thì nhất tâm bất loạn, Niệm Phật tam-muội sẽ liền có thể đạt được. Niệm Phật tam-muội là vua trong các tam-muội, đừng coi là dễ dàng! Dẫu chẳng đạt được ngay, vẫn chẳng cách xa cho lắm. Nhiếp trọn sáu căn là cách niệm Phật hay nhất. Lúc niệm, bất luận niệm ra tiếng hay niệm thầm, hãy thường nên lắng tai nghe kỹ. Điều này chính là gộp cả hai nghĩa “xoay cái Niệm để niệm nơi tự tánh” và “xoay cái Nghe lại để nghe nơi tự tánh” để cùng tu.
    Xoay tánh Nghe chỉ thuộc về tự lực, xoay cái Niệm kiêm thêm Phật lực, lợi ích lớn lắm. Tâm niệm thuộc Ý, miệng niệm thuộc Thiệt, tai nghe thuộc Nhĩ, mí mắt rủ xuống chỉ thấy chót mũi, thì hai căn Nhãn và Tỵ cũng được nhiếp. Ngũ căn đã cùng gom vào một câu Phật hiệu, lẽ đâu Thân căn chẳng cung kính, nghiêm túc ư? Vì thế, biết “nhiếp trọn sáu căn” được thực hiện nơi Nghe. Nhiếp trọn được sáu căn thì tâm thức ngưng lặng, chẳng chao động, tán loạn nên gọi là “tịnh niệm” bởi lẽ sáu căn đã nhiếp, những niệm tạp vọng v.v… ngầm tiêu. Lại có thể thường giữ cho tịnh niệm liên tục chẳng bị gián đoạn thì sẽ liền đắc Niệm Phật tam-muội. Vì thế, [ngài Đại Thế Chí] nói tiếp: “Đắc tam-ma-địa, ấy là bậc nhất”. Đấy chính là giáo hóa của Đại Thế Chí Bồ Tát dành cho hết thảy chúng sanh trong chín pháp giới, thật sự thích hợp khắp ba căn, chỉ có lợi ích, không có tệ hại. Nếu chịu y theo đó để tu, ắt sẽ đạt được lợi ích như Quán Hạnh, Tương Tự [2] v.v…

[1] “Chi, hồ, giả, dã” là bốn hư tự (chữ đệm không có nghĩa lý gì) dùng trong Hán văn để âm vận câu văn được êm tai, réo rắt hơn, hoặc tăng thêm ngữ khí. Cho nên “chi, hồ, giả, dã” thường được dùng để chỉ những lời lẽ sáo rỗng, chẳng có nghĩa lý gì.
[2] Tức những thứ lợi ích theo khái niệm Lục Tức của tông Thiên Thai, Quán Hạnh là do tu hành mà thấy được Phật Tánh, Tương Tự là đã phần chứng một phần Pháp Thân.

28. Đáp lời hỏi của cư sĩ Du Đại Tích

    Khi niệm Phật, ngồi xếp bằng trước tượng Phật, miệng niệm, tai nghe, tay lần chuỗi, tâm tưởng Vô Lượng Quang Phật để mong tam mật tương ứng, nhưng vẫn không thể tránh khỏi hôn trầm, tán loạn thì nên thong dong để đợi khi thuần thục hay là có pháp nào để giúp đạt được “nhiếp trọn sáu căn” hay chăng?
    Đáp: Ngồi xếp bằng niệm thì chớ nên lần chuỗi. Hễ lần chuỗi tâm sẽ khó lắng bặt suy tư, có thể bị bệnh. Hãy nên dựa theo đồng hồ để tính số câu niệm, một khắc niệm được bao nhiêu câu Phật hiệu sẽ giống hệt như lần chuỗi. “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” chính là pháp chế ngự cái tâm hay nhất.

29. Đáp lời hỏi của Huyễn Tu Học Nhân

    Hỏi: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”, hành trì như thế nào?
    Đáp: Tông chỉ của Niệm Phật là sanh lòng tin chân thật (tức Tín), phát nguyện thiết tha (tức Nguyện), chuyên trì Phật hiệu (tức Hạnh). Ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh là tông chỉ của Niệm Phật. Phương pháp dụng công Niệm Phật hay nhất là “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. “Nhiếp trọn sáu căn” là cái tâm niệm Phật chuyên chú nơi danh hiệu Phật, tức là nhiếp Ý Căn. Miệng phải niệm sao cho rõ ràng rành rẽ, tức là nhiếp Thiệt Căn. Tai nghe cho rõ ràng rành rẽ tức là nhiếp Nhĩ Căn. Ba căn ấy được nhiếp trong Phật hiệu thì mắt quyết chẳng thể nhìn ngó loạn xạ. Khi niệm Phật nên buông rèm mắt xuống, tức là hạ thấp mí mắt xuống, chớ nên mở banh mắt. Mắt đã nhiếp rồi thì mũi cũng chẳng thể ngửi loạn được, tức là mũi cũng được nhiếp! Thân phải cung kính tức là thân cũng bị nhiếp. Sáu căn đã nhiếp, chẳng tán loạn thì tâm không vọng niệm, chỉ nghĩ đến Phật; đấy mới là tịnh niệm.
    Hễ sáu căn không nhiếp thì tuy niệm Phật trong tâm vẫn có vọng tưởng tơi bời, khó đạt được lợi ích thật sự. Nếu có thể nhiếp trọn sáu căn để niệm thì gọi là “tịnh niệm tiếp nối”. Tịnh niệm đã có thể thường tiếp nối thì nhất tâm bất loạn và Niệm Phật tam-muội sẽ đều có thể dần dần đạt được. Xin chú ý chỉ mong đạt được “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” thì nghiệp sẽ tiêu, trí sẽ rạng, tâm địa sẽ khai thông, lo gì chẳng hiểu rõ nghĩa kinh nữa! Xin hãy gắng sức!

30. Lời bạt cho Tịnh Độ Pháp Hội Khóa Nghi

    Hết thảy pháp môn được nói trong một đời đức Như Lai đều phải đoạn sạch Phiền Hoặc thì mới có thể liễu sanh thoát tử. Chỉ có một pháp Niệm Phật nếu đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, sẽ liền có thể cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Pháp môn Niệm Phật lấy ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh làm tông, tín - nguyện để dẫn đường, niệm Phật làm chánh tu. Có người chỉ chuyên cầu nhất tâm chẳng nhắc đến tín nguyện và kẻ chú trọng khai ngộ, chẳng cầu vãng sanh đều là những người chẳng biết tông chỉ của pháp Niệm Phật, bỏ Phật lực để cậy vào tự lực, coi thường Phật trí, khoe khoang trí mình, tự lầm, lầm người lớn lắm! Tâm niệm Phật ắt cần phải khẩn thiết chí thành như con nhớ mẹ; dẫu có cảnh nào khác đưa đến trọn chẳng thể làm cho cái tâm nhớ mẹ ấy bị quên mất được! Trong khi niệm Phật hoặc niệm ra tiếng, hoặc niệm thầm, đều phải lắng tai nghe kỹ, chẳng để cho một câu một chữ nào miệng chỉ liến láu niệm qua. Cách niệm “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” như Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói chính là pháp vừa niệm vừa lắng nghe như thế đấy. Nếu có thể làm đúng như vừa nói thì chắc chắn sẽ được vãng sanh. Nếu tìm cầu sự khéo léo, chắc chắn sẽ biến thành vụng về to lớn, tự lầm, lầm người, gây hại há có thể nào cùng cực được!

31. Pháp ngữ khai thị tại Tố Thực Đồng Duyên Xã (Hội cùng kết duyên ăn chay) ở Nam Kinh

... Vì thế biết liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh mà bỏ Tịnh Độ thì không có kế sách tốt đẹp nào cả!
    Pháp môn Niệm Phật cần phải đầy đủ Tín - Nguyện - Hạnh. Tín đã sâu, ắt sẽ phát nguyện thiết tha. Nguyện đã phát thiết tha, ắt sẽ dốc sức hành trì. Chỉ niệm Di Đà chẳng cần kèm thêm pháp nào khác nữa. Hãy nên dùng lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, chấp trì danh hiệu Phật, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, tâm niệm tai nghe, từng câu từng chữ phân minh. Niệm cho phân minh, nghe cho phân minh sẽ là chánh nhân vãng sanh. Đã dùng pháp này để tự hành, ắt lại phải đem pháp này dạy bảo người khác thì công đức giáo hóa ấy sẽ quy về chính mình. Quả thật là tư lương vãng sanh tối thắng!

32. Tịnh Độ Pháp Môn Thuyết Yếu

... Tu trì pháp môn Tịnh Độ niệm Phật hãy nên lấy Tín - Nguyện - Hạnh làm tông. Tín là dốc lòng tin tưởng Phật lực. Trong khi tu nhân, Di Đà Như Lai đã phát ra bốn mươi tám nguyện, nguyện nào cũng độ sanh, trong ấy có nguyện “[người nào] niệm danh hiệu ta mà chẳng sanh về nước ta, thề chẳng thành Phật”. Hiện tại, do Ngài đã nhân viên, quả mãn, nay ta niệm Phật ắt sẽ được vãng sanh. Kế đấy, tin vào Phật lực từ bi nhiếp thọ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con nhớ mẹ giống như mẹ nhớ con, chắc chắn sẽ được tiếp dẫn. Tiếp đó, tin tưởng pháp môn Tịnh Độ như trong bài Tứ Liệu Giản của Vĩnh Minh thiền sư đã nói so với các pháp khác, sự lớn - nhỏ, khó - dễ, được - mất, sai biệt vời vợt. Dẫu có những vị thầy khác xưng tán những pháp khác cũng chẳng lay động được ta. Thậm chí chư Phật hiện ra trước mặt khuyên lơn, an ủi bảo tu các pháp môn khác cũng chẳng thoái chuyển. Đấy mới thật sự gọi là Tín vậy! Nguyện là nguyện trong đời này thề vãng sanh Tây Phương, chẳng cần phải nhiều đời tu tập ngoi lên, hụp xuống trong uế độ, từ mê vào mê nữa! Lại nguyện hễ được vãng sanh Tây Phương rồi sẽ trở lại Sa Bà độ thoát hết thảy chúng sanh. Hạnh là chân thật nương theo lời dạy để khởi Hạnh.
    Trong chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông [của kinh Lăng Nghiêm] có câu: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam-ma-địa, ấy là bậc nhất”. Do vậy biết pháp Niệm Phật phải nên nhiếp trọn sáu căn. Trước khi nhiếp trọn sáu căn thì trước hết phải nhiếp được hai hay ba căn. Hai hay ba căn là gì? Chính là tai, miệng, tâm vậy. Miệng niệm sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật sao cho từng câu từng chữ rõ ràng, rành mạch, trong tâm niệm cho rõ ràng rành mạch, tai nghe cho rõ ràng, rành mạch. Hễ có chỗ nào hơi không phân minh thì đấy chính là không chân thật, thiết tha, có vọng tưởng [xen tạp] (Chỉ niệm mà không nghe thì dễ sanh vọng tưởng). Niệm Phật cố nhiên phải sao cho từng câu từng chữ phân minh, chẳng để sự suy nghĩ xen vào.
    Ngoài ra, xem kinh cũng giống như thế, đừng một mặt vừa xem, một mặt lại phân biệt; [nếu không], sẽ được lợi ích ít ỏi, tình tưởng sẽ nhiều. Xưa kia có người chép kinh do chí thành chép kinh, chuyên tâm nhất ý, chỉ chú tâm chép kinh, không có tình kiến gì, đến khi trời đã tối, vẫn cứ viết chép không ngừng. Chợt có người bảo: “Trời đã tối rồi, sao còn chép kinh được?” Lúc ấy, người chép kinh tình niệm vừa động, chẳng thể viết được nữa. Ôi! Phân biệt sáng - tối chính là vọng kiến của chúng sanh, là phàm tình của chúng sanh vậy! Vì thế, đang trong lúc chuyên tâm nhất ý, vọng tận, tình không, chỉ biết chép kinh, chẳng biết trời đã tối, cũng chẳng biết hễ trời đã tối sẽ không có ánh sáng nên không thể chép kinh được nữa! Tới khi có người nhắc nhở, khuấy động, do vô minh động nên tình tưởng bèn chia ra. Vọng niệm vừa động, ngay lập tức, sáng sủa và tối tăm liền tách bạch nên chẳng thể chép kinh được nữa. Do vậy, biết rằng đầu mối của đạo dụng công là chuyên nhiếp, chẳng quan tâm đến tình tưởng. Nếu đã không có suy tưởng thì đâu có tà kiến nữa! Tà kiến đã không còn, đấy chính là chánh trí!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét