Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

Năm Bản Dịch Gốc Của Kinh Vô Lượng Thọ (PDF)


ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ KINH NGŨ CHỦNG NGUYÊN DỊCH

1. Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác Kinh, do ngài Chi Lâu Ca Sấm dịch đời Hậu Hán. (Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh)

2. Phật Thuyết Chư Phật A Di Ðà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Ðàn Quá Ðộ Nhân Ðạo Kinh, tên khác là Vô Lượng Thọ Kinh, tên khác nữa là A Di Ðà Kinh, do ngài Chi Khiêm dịch vào đời Ngô. (Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh)

3. Vô Lượng Thọ Kinh, do ngài Khang Tăng Khải dịch vào đời Tào Ngụy. (Việt dịch: HT Thích Tuệ Đăng)

4. Vô Lượng Thọ Như Lai Hội, do ngài Bồ Ðề Lưu Chí dịch vào đời Ðường. (Việt dịch: HT Thích Trí Tịnh)

5. Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, do ngài Pháp Hiền dịch vào đời Triệu Tống. (Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh)

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

A Di Đà Kinh Yếu Giải Tinh Hoa Lục


A DI ĐÀ KINH YẾU GIẢI TINH HOA LỤC
(Tịnh Không Pháp Sư)
Nguồn: http://www.amtb.tw/pdf/01-12jy.pdf

1. Nguyên vì chư Phật nghĩ thương xót quần mê, tùy theo từng căn cơ mà lập cách hóa độ. Trở về nguồn thì chẳng hai, nhưng phương tiện có nhiều cửa. Trong hết thảy các phương tiện, cầu lấy một phương tiện thẳng chóng nhất, viên đốn nhất, thì không gì bằng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.

2. Trong hết thảy các pháp môn Niệm Phật, cầu lấy một pháp đơn giản nhất, dễ dàng nhất, ổn thỏa nhất, thích đáng nhất, thì không gì bằng “tín, nguyện, chuyên trì danh hiệu”. 

3. Pháp Trì Danh thích hợp trọn khắp ba căn, thâu nhiếp Sự lẫn Lý chẳng sót, bao trùm Tông lẫn Giáo chẳng thừa, thật là chẳng thể nghĩ bàn.

4. Phật mang chí nguyện độ sanh, căn cơ thành Phật của chúng sanh đã chín muồi, bèn giảng cho họ biết pháp khó tin, khiến họ được giải thoát rốt ráo.

5. A Di Đà, cõi này dịch là Vô Lượng Thọ, còn dịch là Vô Lượng Quang. Nói tới những điểm trọng yếu thì công đức, trí huệ, thần thông đạo lực, sự trang nghiêm nơi y báo và chánh báo, thuyết pháp, hóa độ, mỗi mỗi đều vô lượng.

6. A Di Đà, là đấng đạo sư của cõi đang được nói đến. Ngài dùng bốn mươi tám nguyện tiếp độ chúng sanh tín nguyện niệm Phật sanh về thế giới Cực Lạc, vĩnh viễn đạt đến địa vị Bất Thoái.

7. Nếu không có Tín, sẽ chẳng đủ để khơi gợi Nguyện. Không có Nguyện, sẽ chẳng đủ để hướng dẫn Hạnh. Không có diệu hạnh Trì Danh, chẳng đủ để thỏa mãn Nguyện, hòng chứng thực Tín.

8. Tín là tín Tự, tín Tha, tín Nhân, tín Quả, tín Sự, tín Lý.

9. Nguyện thì chán lìa Sa Bà, vui ưa Cực Lạc.

10.  Hạnh thì chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn.

11. Thích Ca Như Lai quyết chẳng nói dối, Di Đà Thế Tôn quyết chẳng nguyện xuông, tướng lưỡi rộng dài của sáu phương chư Phật quyết chẳng nói hai lời. Tùy thuận giáo huấn chân thật của chư Phật, quyết chí cầu vãng sanh, chẳng còn ngờ vực gì.

12. Tin tưởng sâu xa, tâm tán loạn xưng danh vẫn còn tạo nên hạt giống thành Phật [trong tương lai], huống hồ nhất tâm bất loạn, lẽ nào chẳng được sanh về Tịnh Độ?

13. Tin tưởng Tịnh Độ sâu xa là nơi các vị thiện nhân tụ hội, đều do Niệm Phật tam-muội mà được vãng sanh.

14. Sa Bà chính là nhơ uế do chính tâm mình cảm thành, đối với sự nhơ uế trong tự tâm, theo đúng lý phải nên chán lìa. Cực Lạc chính là sự thanh tịnh do tự tâm cảm vời, đối với sự thanh tịnh trong tự tâm, theo đúng lý phải nên ưa cầu.

15. Do đức chẳng thể nghĩ bàn, nên danh hiệu cũng chẳng thể nghĩ bàn. Do danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn, nên khiến cho tâm tán loạn xưng danh vẫn tạo thành hạt giống Phật, hễ chấp trì danh hiệu bèn đạt Bất Thoái.

16. Pháp Trì Danh đáng gọi là phương tiện bậc nhất trong các phương tiện, là vô thượng liễu nghĩa trong các liễu nghĩa, là viên đốn tối cực trong các pháp viên đốn.

17. Tín nguyện trì danh là cái nhân chân thực của Nhất Thừa, bốn cõi Tịnh Độ là cái quả màu nhiệm của Nhất Thừa.

18. Bất Thoái có bốn nghĩa:
(1) Niệm Bất Thoái: Phá vô minh, hiển Phật tánh, mau chóng sanh về cõi Thật Báo, chứng một phần cõi Tịch Quang.
(2) Hạnh Bất Thoái: Đã trừ được Kiến Hoặc và Tư Hoặc, cũng phá được Trần Sa Hoặc, sanh về cõi Phương Tiện, tiến hướng cực quả.
(3) Vị Bất Thoái: Đới nghiệp vãng sanh, ở trong cõi Đồng Cư, gởi thân nơi hoa sen, vĩnh viễn lìa khỏi duyên thoái thất.
(4) Tất Cánh Bất Thoái: Chẳng cần biết là chí tâm hay tán tâm, hữu tâm hay vô tâm, hiểu hoặc chẳng hiểu, chỉ cần danh hiệu Di Đà, hoặc danh hiệu của chư Phật trong sáu phương và tên gọi kinh này, vừa nghe thoảng qua tai, giả sử ngàn vạn kiếp sau, rốt ráo sẽ do điều này mà được độ thoát.

19. Ở chung với các bậc thượng thiện, tức là sanh vào cõi Đồng Cư thì là đã sanh ngang sang ba cõi trên, trong một đời được bổ xứ thành Phật. Đấy là [hễ dự vào] Vị Bất Thoái thì là đã chứng trọn vẹn ba món Bất Thoái.

20. Tương lai khi kinh pháp diệt sạch, riêng lưu lại kinh này một trăm năm trong cõi đời để rộng độ hàm thức. Dứt bặt đối đãi một cách viên dung, chẳng thể nghĩ bàn.

21. Tạng sâu mầu của kinh Hoa Nghiêm, cốt tủy bí mật của Pháp Hoa, tâm yếu của hết thảy chư Phật, là kim chỉ nam cho vạn hạnh của Bồ Tát, đều chẳng ra ngoài kinh này.

22. Tỳ-kheo gồm ba nghĩa:
(1) Khất Sĩ: Một bát nuôi thân, không tích cóp gì, chuyên cầu pháp yếu xuất thế.
(2) Phá Ác: Chánh huệ quán sát, phá ác phiền não, chẳng đọa vào ái kiến.
(3) Bố Ma (làm cho ma kinh sợ): Phát tâm thọ giới, tác pháp Yết Ma thành tựu, ma liền kinh sợ.

23. Tăng, gọi đủ là Tăng Già, cõi này dịch là Hòa Hợp Chúng. Cùng chứng sự giải thoát vô vi thì gọi là Lý Hòa (hòa hợp về mặt Lý). Thân cùng ở, miệng không tranh cãi, tâm ý cùng vui vẻ, cùng hiểu biết giống như nhau, cùng tu giới như nhau, chia sẻ quyền lợi đồng đều thì gọi là Sự Hòa.

24. Những Bồ Tát thuộc địa vị sâu xa đều cầu sanh Tịnh Độ, vì chẳng lìa thấy Phật, vì chẳng lìa nghe pháp, vì chẳng lìa thân cận cúng dường chúng tăng, để có thể mau chóng viên mãn Bồ Đề vậy.

25. Pháp môn Tịnh Độ nhiếp trọn ba căn, dứt bặt đối đãi một cách viên dung chẳng thể nghĩ bàn. Gồm thâu trọn vẹn, nhưng vượt thoát trọn vẹn hết thảy pháp môn, rất sâu, khó tin.

26. Hai chữ Hữu và chữ “hiện tại” chính là phần Tựa nhằm khuyến tín. “Thế giới tên là Cực Lạc” là phần Tựa khuyên hãy nên phát nguyện. “Phật hiệu A Di Đà”, chính là phần Tựa nhằm khuyên [thực hành] diệu hạnh Trì Danh.

27. “Tín, nguyện, trì danh” là tông chỉ trọng yếu của bộ kinh này. Tín và nguyện là Huệ Hạnh, trì danh là Hành Hạnh. Được vãng sanh hay không hoàn toàn là do có tín, nguyện hay không. Phẩm vị cao hay thấp, hoàn toàn là do trì danh sâu hay cạn.

Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Tiết Yếu

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN TIẾT YẾU
(Tịnh Không Pháp Sư)
Nguồn: http://www.amtb.tw/pdf/EB28-07-01.pdf

1. Thái Thượng viết: - Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu.
Thái Thượng nói: - Họa và phước chẳng có cửa nẻo [nhất định], chỉ do con người tự chuốc lấy.

2. Thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình.
Thiện báo, ác báo như bóng theo hình.

3. Thị đạo tắc tấn, phi đạo tắc thoái.
Hợp đạo thì tiến, trái đạo thì lui.

4. Tích đức lũy công.
Tích lũy công đức.

5. Từ tâm ư vật.
Từ tâm đối với muôn loài.

6. Trung hiếu hữu đễ.
Trung, hiếu, thuận thảo với anh em.

7. Chánh kỷ hóa nhân.
Sửa mình, dạy người.

8. Căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu.
Thương xót con côi, cứu giúp quả phụ. Kính già, thương trẻ.

9. Nghi mẫn nhân chi hung, nhạo nhân chi thiện.
Hãy nên xót thương kẻ ác, vui vì điều thiện của người.

10. Tế nhân chi cấp, cứu nhân chi nguy.
Giúp người trong cơn nguy cấp.

11. Kiến nhân chi đắc, như kỷ chi đắc. Kiến nhân chi thất, như kỷ chi thất.
Thấy người khác đạt được, [cảm thấy] như chính mình đạt được. Thấy người khác mất mát, [cảm thấy] như chính mình bị mất mát.

12. Bất chương nhân đoản, bất huyễn kỷ trường.
Chẳng phô bày sự kém cỏi của kẻ khác, chẳng khoe khoang cái hay của chính mình.

13. Át ác dương thiện.
Ngăn chặn điều ác, tuyên dương điều lành.

14. Thôi đa thủ thiểu.
[Khi phân chia], nhường cho người khác phần nhiều, giữ cho mình phần ít.

15. Thọ nhục bất oán.
Bị nhục chẳng oán.

16. Thọ sủng nhược kinh.
Được sủng ái phải sợ.

17. Thi ân bất cầu báo, dữ nhân bất truy hối.
Thi ân chẳng cầu báo, đã cho người khác thì đừng nghĩ lại rồi hối tiếc.

18. Sở vị thiện nhân, nhân giai kính chi, thiên đạo hựu chi, phước lộc tùy chi, chúng tà viễn chi, thần linh vệ chi, sở tác tất thành.
Người được coi là thiện nhân ai cũng đều kính trọng, đạo trời giúp đỡ họ, phước lộc thuận theo, các thứ tà quái tránh xa, do họ được thần linh hộ vệ, việc làm ắt thành.

19. Cẩu hoặc phi nghĩa nhi động, bối lý nhi hành.
Nếu có kẻ làm những điều phi nghĩa, trái nghịch đạo lý [như sau]:

20. Dĩ ác vi năng, nhẫn tác tàn hại.
Coi thủ đoạn độc ác là tài năng, nhẫn tâm làm chuyện tàn ác, độc hại.

21. Âm tặc lương thiện, ám vũ quân thân.
Ngầm hại người lương thiện, ngầm khinh vua và cha mẹ.

22. Mạn kỳ tiên sinh, bạn kỳ sở sự.
Khinh rẻ thầy dạy, phản bội người mình phải phụng sự.

23. Cuống chư vô thức, báng chư đồng học.
Lừa kẻ không hiểu biết, gièm báng bạn học.

24. Hư vu trá ngụy, công kiết tông thân.
Dối trá, hư ngụy, công kích thân thuộc.

25. Cang cường bất nhân, ngận lệ tự dụng.
Ương bướng bất nhân, sử dụng những thủ đoạn độc ác, tàn nhẫn.

26. Thị phi bất đang, hướng bối quai nghi.
Chẳng phân biệt đúng sai, phải trái, tráo trở ngược xuôi.

27. Ngược hạ thủ công, siểm thượng hy chỉ.
Ngược đãi kẻ dưới để lập công, nịnh bợ kẻ trên để đón ý [cầu lợi].

28. Thọ ân bất cảm, niệm oán bất hưu.
Chịu ơn [người khác] mà chẳng cảm kích, luôn ôm lòng oán hận chẳng dứt.

29. Lăng cô bức quả.
Lăng nhục con côi, bức hại bà góa.

30. Khí pháp thọ lộ.
Coi thường pháp luật mà tiếp nhận hối lộ.

31. Dĩ trực vi khúc, dĩ khúc vi trực.
Coi thẳng là cong, lấy cong làm thẳng.

32. Tri quá bất cải, tri thiện bất vi.
Biết lỗi chẳng sửa, biết điều thiện mà chẳng làm.

33. Sán báng thánh hiền.
Chê bai, báng bổ thánh hiền.

34. Xâm lăng đạo đức.
Xâm phạm, lăng nhục bậc đạo đức.

35. Nguyện nhân hữu thất, hủy nhân thành công.
Mong cho người khác phạm sai lầm, hủy hoại sự thành công của người khác.

36. Dĩ ác dịch hảo, dĩ tư phế công.
Dùng thứ xấu thay cho đồ tốt [trong khi giao dịch]. Vì lòng riêng tư mà phế trừ lẽ công.

37. Thiết nhân chi năng, tế nhân chi thiện.
Trộm cắp tài năng của kẻ khác. Che lấp điều lành của người khác.

38. Ly nhân cốt nhục, xâm nhân sở ái, trợ nhân vi phi.
Chia lìa cốt nhục của kẻ khác. Xâm phạm những thứ yêu thích của người khác. Giúp kẻ khác làm quấy.

39. Tỏa nhân sở trường, hộ kỷ sở đoản.
Ém tài người khác, giấu diếm sự kém cỏi của chính mình.

40. Khuể nộ sư phó, chỉ xúc phụ huynh.
Oán giận thầy dạy của chính mình. Xung đột với cha anh.

41. Thưởng phạt bất bình, dật lạc quá tiết.
Thưởng phạt chẳng công bằng. Hưởng lạc quá độ.

42. Hà ngược kỳ hạ, khủng hách ư tha.
Hà khắc, ngược đãi cấp dưới. Đe dọa người khác.

43. Oán thiên vưu nhân, ha phong mạ vũ.
Oán trời hờn người. Chửi gió, mắng mưa.

44. Đấu hợp tranh tụng. Vọng trục bằng đảng.
Tranh chấp kiện tụng. Kéo bè kết đảng làm quấy.

45. Đắc tân vong cố. Khẩu thị tâm phi.
Có mới nới cũ. Tâm khẩu chẳng nhất trí.

46. Hủy nhân xưng trực, mạ thần xưng chánh.
Hủy báng kẻ khác, tự khoe bản thân chánh trực. Nhục mạ thần linh, tự xưng mình là chánh đáng.

47. Cốt nhục phẫn tranh. Nam bất trung lương, nữ bất nhu thuận.
Ruột thịt giận dữ, tranh chấp. Trai không trung lương. Gái chẳng nhu thuận.

48. Bất hòa kỳ thất, bất kính kỳ phu.
Bất hòa với vợ. Chẳng kính trọng chồng.

49. Mỗi hiếu căng khoa, thường hành đố kỵ.
Thường thích khoác lác, kiêu căng. Thường hay ganh tỵ.

50. Tự chú chú tha, thiên tăng thiên ái.
Rủa mình, rủa người. Yêu ghét thiên vị.

51. Tổn tử đọa thai, hành đa ẩn tịch.
Tổn hại con cái, phá thai. Làm nhiều chuyện ám muội.

52. Tâm khởi ư thiện, thiện tuy vị vi, nhi cát thần dĩ tùy chi.
Hễ dấy thiện niệm, tuy chưa làm lành, cát thần đã đi theo.

53. Tâm khởi ư ác, ác tuy vị vi, nhi hung thần dĩ tùy chi.
Tâm móng niệm ác, tuy chưa làm ác, hung thần đã theo.

54. Kỳ hữu tằng hành ác sự, hậu tự cải hối, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, cửu cửu tất hoạch cát khánh. Sở vị chuyển họa vi phước dã.
Nếu kẻ đã từng làm ác, về sau sửa đổi, hối hận, chẳng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, lâu ngày chầy tháng, ắt được cát khánh, đó gọi là “chuyển họa thành phước” vậy.

55. Cát nhân ngữ thiện, thị thiện, hành thiện, nhất nhật hữu tam thiện, tam niên thiên tất giáng chi phước.
Người tốt nói lời lành, xem điều lành, làm điều lành, mỗi ngày có ba điều lành thì ba năm trời ắt ban phước cho.

56. Hung nhân ngữ ác, thị ác, hành ác, nhất nhật hữu tam ác, tam niên thiên tất giáng chi họa.
Kẻ ác nói lời ác, xem điều ác, làm điều ác, mỗi ngày có ba điều ác, ba năm trời ắt sẽ giáng họa.

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Ấn Quang Đại Sư Nhiếp Tâm Niệm Phật Pháp


ẤN QUANG ĐẠI SƯ PHÁP NGỮ

* NHIẾP TÂM NIỆM PHẬT PHÁP *
(Phương pháp nhiếp tâm niệm Phật)

Nguồn: http://www.amtb.tw/pdf/EB16-19-01.pdf
(Trích từ bản dịch của Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa)

1. Thư trả lời cư sĩ Cao Thiệu Lân (thư thứ tư)

... hãy nên nhiếp tâm khẩn thiết niệm, sẽ tự có thể quy nhất. Pháp nhiếp tâm không pháp nào chẳng trước hết phải chí thành khẩn thiết. Tâm không chí thành mà muốn nhiếp tâm thì không có cách nào cả! Nếu đã chí thành mà vẫn chưa thuần nhất, hãy nên lắng tai nghe kỹ, bất luận niệm ra tiếng hay niệm thầm, đều phải niệm từ tâm khởi, tiếng từ miệng lọt ra, âm thanh lọt vào tai (niệm thầm dẫu miệng không động, nhưng trong ý vẫn có tướng miệng niệm), tâm - miệng niệm cho rõ ràng, rành mạch, tai nghe cho rõ ràng, rành mạch. Nhiếp tâm như thế, vọng niệm tự dứt.
    Nếu vọng niệm vẫn còn nổi sóng, thì dùng pháp Thập Niệm Ký Số, tức là đem sức lực toàn tâm đặt nơi một tiếng Phật hiệu, dẫu muốn khởi vọng cũng không có sức. Diệu pháp nhiếp tâm niệm Phật rốt ráo này xưa kia các vị hoằng truyền Tịnh Độ chưa đề cập đến là vì căn tánh con người [khi ấy] còn thông lợi, chẳng cần phải làm như thế mới có thể quy nhất được! Ấn Quang do tâm khó chế phục, mới biết cái hay của pháp này. Càng thử càng thấy hay, chẳng phải là nói mò đâu nhé. Nguyện khắp thiên hạ những kẻ độn căn đời sau đều cùng sử dụng khiến cho vạn người tu vạn người về.
Pháp Thập Niệm Ký Số vừa nói đó chính là trong lúc niệm Phật, từ một câu đến mười câu phải niệm cho phân minh, lại phải nhớ phân minh, đến mười câu là thôi. Lại phải niệm từ một câu đến mười câu, chẳng được niệm hai mươi, ba mươi. Niệm đâu nhớ đấy, không được lần chuỗi, chỉ dựa vào tâm để nhớ. Nếu nhớ thẳng vào mười câu thấy khó thì chia thành hai hơi, tức là từ câu thứ nhất đến câu thứ năm và từ câu thứ sáu đến câu thứ mười. Nếu vẫn thấy mệt, nên từ câu một đến câu ba, từ câu bốn đến câu sáu, từ câu bảy đến câu mười, chia làm ba hơi để niệm. Niệm cho rõ ràng, nhớ cho rõ ràng, nghe cho rõ ràng, vọng niệm không chỗ chen chân, nhất tâm bất loạn, niệm lâu ngày sẽ tự được.
    Phải biết mười niệm này giống như cách nhiếp vọng bằng pháp Thập Niệm buổi sáng, nhưng công dụng khác xa. Buổi sáng mười niệm thì hết một hơi là một niệm, chẳng luận số câu niệm Phật nhiều - ít. Cách này lấy một câu Phật hiệu làm một niệm, còn cách kia chỉ có thể niệm mười hơi vào buổi sáng. Nếu niệm hai mươi, ba mươi hơi sẽ tổn khí thành bệnh. Cách niệm này một niệm là một câu Phật hiệu, tâm biết một câu, niệm mười câu Phật hiệu, tâm biết mười câu. Từ một đến mười, rồi lại từ một đến mười, dẫu cả ngày niệm mấy vạn tiếng cũng đều nhớ như thế. Chẳng những trừ vọng lại còn dưỡng thần tốt nhất. Niệm mau hay chậm trọn không trở ngại, từ sáng đến tối, không gì không thích hợp.
    So với cách lần chuỗi nhớ số, lợi ích khác nhau một trời một vực. Cách kia (tức cách niệm bằng lần chuỗi) thân mệt, thần động, cách này thân nhàn tâm an. Nhưng lúc làm việc nếu khó nhớ số thì cứ khẩn thiết niệm thẳng. Làm việc xong, lại nhiếp tâm nhớ số như cũ. Dẫu ý niệm loang loáng đến đi, cũng vẫn quẩn quanh chuyên chú nơi một cảnh Phật hiệu. Đại Thế Chí nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa, ấy là bậc nhất”. Kẻ lợi căn chẳng cần phải nói nữa, nếu là hạng độn căn như bọn ta, bỏ pháp Thập Niệm Ký Số này, muốn nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, thật khó khăn lắm!
    Lại phải biết pháp nhiếp tâm niệm Phật này tuy cạn mà sâu, tuy nhỏ mà lớn, là pháp chẳng thể nghĩ bàn. Chỉ nên thường ngửa tin lời Phật, chớ vì mình thấy không đến nơi đến chốn bèn sanh nghi hoặc, đến nỗi thiện căn nhiều kiếp do đây bị mất, chẳng thể rốt ráo tự đạt được lợi ích thật sự, đáng buồn lắm! Lần chuỗi niệm Phật chỉ nên làm trong hai lúc đi và đứng. Nếu tịnh tọa dưỡng thần, do tay động nên thần chẳng an, lâu ngày thành bệnh. Pháp Thập Niệm Ký Số này đi, đứng, nằm, ngồi, không gì chẳng thích hợp. Lúc nằm chỉ nên niệm thầm, không được niệm ra tiếng. Nếu niệm ra tiếng thì một là bất kính, hai là tổn khí, hãy nhớ kỹ, nhớ kỹ!

2. Thư gởi nữ sĩ Từ Phước Hiền

... Niệm Phật cần phải nhiếp tâm, niệm từ tâm khởi, tiếng từ miệng phát ra, đều phải mỗi câu mỗi chữ phân minh rành rẽ. Lại phải lắng tai nghe kỹ, từng câu từng chữ nạp vào trong tâm. Nhĩ căn đã nhiếp thì các căn kia không cách chi rong ruổi bên ngoài, mới hòng mau đạt nhất tâm bất loạn.
    Đại Thế Chí Bồ Tát nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc tam-ma-địa ấy là bậc nhất” chính là chỉ về điều này vậy. Ngài Văn Thù nói: “Quay trở lại nghe nơi tự tánh, tánh thành vô thượng đạo” cũng nhằm chỉ điều này. Chớ bảo pháp Trì Danh là thiển cận rồi bỏ bê, tu theo những pháp Quán Tượng, Quán Tưởng, Thật Tướng. Phàm trong bốn cách niệm Phật chỉ có Trì Danh là khế cơ nhất. Trì đến nhất tâm bất loạn thì diệu lý Thật Tướng hiển lộ toàn thể, Tây Phương diệu cảnh triệt để phô bày trọn vẹn. Do trì danh chứng được Thật Tướng, chẳng cần quán tưởng vẫn thấy được thấu triệt Tây Phương. Một pháp Trì Danh chính là huyền môn để nhập đạo, là đường tắt để thành Phật. Người đời nay giáo lý quán pháp chẳng hiểu rõ. Nếu tu quán tưởng Thật Tướng rất có thể bị ma dựa, khéo quá hóa vụng, cầu thăng hóa đọa. Nên tu hạnh dễ hành, ắt tự cảm được quả chí diệu.

3. Trả lời thư hai vị cư sĩ Từ Ngạn Như và Từ Dật Như

    Quý vị nói chuyện đời ràng buộc, không cách gì thoát khỏi được thì ngay trong lúc bị ràng buộc ấy chỉ cần không bị chúng xoay chuyển thì ràng buộc liền thành cởi gỡ, như gương chiếu hình tượng, hình đến chẳng cự tuyệt, hình đi chẳng giữ lại. Nếu không biết nghĩa này, dẫu có trừ sạch mọi chuyện thế tục không còn có chuyện gì phải lo toan thì cũng vẫn bị cái tâm vọng tưởng, tán loạn, ràng buộc kiên cố, chẳng thể gột rửa, thoát khỏi. Người học đạo phải hành xử thuận theo địa vị, tận hết bổn phận của mình. Như thế thì dù suốt ngày việc đời ràng buộc, nhưng suốt ngày vẫn cứ tiêu dao ngoài vật. Câu nói “nhất tâm vô trụ, vạn cảnh đều nhàn, chẳng ghét lục trần vẫn đồng Chánh Giác” chính là nói về điều này vậy.
    Chuyện niệm Phật quan trọng nhất là liễu sanh tử, đã vì liễu sanh tử thì tự sanh lòng nhàm chán đối với nỗi khổ sanh tử, tự sanh lòng ưa thích đối với sự vui Tây Phương. Như thế thì hai pháp Tín - Nguyện sẽ được vẹn toàn ngay trong một niệm, lại thêm niệm chí thành khẩn thiết như con nhớ mẹ thì Phật lực, pháp lực, sức công đức tín nguyện nơi tự tâm, ba pháp đều phô bày trọn vẹn. Ví như mặt trời rạng rỡ giữa hư không, dẫu mây dầy, băng đóng tầng tầng, chẳng mấy chốc liền tiêu tan. Lúc sơ tâm niệm Phật, chưa tự chứng được tam-muội, ai có thể không có vọng niệm cho được? Quý sao tâm thường giác chiếu, chẳng chuyển theo vọng, ví như quân hai bên đối địch, ắt phải giữ vững thành quách của chính mình, chẳng cho quân giặc xâm phạm tí ti nào, đợi khi giặc vừa tấn công bèn đánh chặn đầu. Ắt phải xua quân Chánh Giác vây kín bốn mặt khiến cho chúng nó không lối lên trời, không nẻo chui xuống đất, khiến chúng sợ bị diệt chủng, liền đua nhau quy hàng. Quan trọng nhất là chủ soái không mê muội, không lười nhác, thường luôn tỉnh táo mà thôi! Nếu mê muội, lười nhác thì chẳng những không diệt được giặc mà trái lại còn bị giặc diệt. Do vậy, người niệm Phật không biết nhiếp tâm thì càng niệm càng sanh vọng tưởng. Nếu nhiếp được tâm thì vọng niệm sẽ dần dần mỏng nhẹ, cho đến không còn nữa! Vì thế, nói:
Học đạo do như thủ cấm thành,
Trú phòng lục tặc, dạ tỉnh tỉnh,
Tướng quân chủ soái năng hành lệnh,
Bất động can qua định thái bình.

(Tạm dịch:
Học đạo dường như giữ cấm thành,
Ngày phòng sáu giặc, đêm thường tỉnh,
Tướng quân chủ soái nghiêm quân lệnh,
Chẳng dấy can qua, quyết thái bình)

4. Thư trả lời sư Hựu Chân và cư sĩ Giác Tam

    Người niệm Phật hãy nên cung kính, chí thành, từng câu từng chữ trong tâm niệm cho rõ ràng, rành mạch, miệng niệm cho rõ ràng rành mạch. Nếu làm được như thế, dẫu chẳng thể hoàn toàn không có vọng niệm, nhưng cũng chẳng đến nỗi quá đáng. Có lắm kẻ chỉ mong lẹ, mong nhiều, thuận miệng niệm ào ào, cho nên không có hiệu quả! Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự. Đại Thế Chí Bồ Tát đã ví dụ “như con nhớ mẹ”, trong tâm con chỉ nghĩ đến mẹ, những cảnh khác đều chẳng phải là chuyện trong tâm chính mình. Vì thế có thể cảm ứng đạo giao. Lại nói: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế, đắc Tam Ma Địa, tư vi đệ nhất” (nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa (tức tam-muội), ấy là bậc nhất). Nói “khiến cho tâm, miệng, tai đều được rõ ràng” chính là pháp tắc nhiếp trọn sáu căn vậy (Tâm là Ý Căn, miệng là Thiệt Căn). Tâm và miệng niệm hợp cùng tai nghe thì mắt, mũi quyết định chẳng đến nỗi rong ruổi theo bên ngoài, thân cũng chẳng đến nỗi láo xược, phóng túng. Người đời nay niệm Phật phần nhiều đều chẳng chịu nỗ lực nên không có hiệu quả gì.
    Lại nữa, khi không niệm Phật, vọng tưởng tuy nhiều nhưng không cách nào biết được, chứ không phải là lúc không niệm thì không có vọng tưởng! Ví như đối với hư không trong nhà, dẫu mắt cực tốt cũng không thể thấy được bụi bặm. Nếu từ khe cửa sổ soi vào một tia nắng, sẽ thấy bụi bặm trong tia nắng chao lên đảo xuống không khi nào ngừng, khi ánh sáng chưa chiếu đến nơi, vẫn chẳng thấy có bụi bặm! Vì thế, biết rằng: Khi niệm Phật mà nhận biết có vọng tưởng thì đấy vẫn là cái hay của việc niệm Phật. Lúc không niệm Phật, hoàn toàn bị vùi lấp trong vọng tưởng cho nên không biết!
    Lại nữa, pháp Niệm Phật khẩn yếu nhất là có lòng tin chân thật, nguyện thiết tha. Hễ có lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, dẫu chưa đạt đến nhất tâm bất loạn vẫn có thể cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Nếu không có tín - nguyện, dẫu tâm không có vọng niệm thì vẫn chỉ là phước báo nhân thiên vì chẳng tương ứng với Phật. Do vậy, đương nhiên phải chú trọng nơi tín - nguyện cầu sanh Tây Phương. Thật sự có tín - nguyện, vọng sẽ tự hết. Nếu lúc bình thường có vọng tưởng quá mức, muốn đắc thần thông, được danh dự, được duyên pháp, đắc đạo v.v… hoàn toàn lấy vọng tưởng làm bản tâm của chính mình như vậy thì càng tinh tấn, dũng mãnh, những thứ vọng tưởng ấy càng nhiều càng lớn! Nếu chẳng giác chiếu để dứt trừ vĩnh viễn những vọng tưởng ấy thì sau này vẫn bị ma dựa phát cuồng, há nào phải chỉ có vọng tưởng mà thôi ư? Vì thế, phải miệt mài đoạn dứt những thứ vọng tưởng quá mức ấy.
    Thực hiện công khóa thì nên y theo chương trình của công khóa. Khi [đi kinh hành] niệm Phật xong trở về chỗ, niệm thêm [danh hiệu] hai vị Phật Thích Ca, Dược Sư cũng không ngại gì. Luận theo mặt lý thì lễ Phật trước khi chưa niệm chính là lễ Phật Thích Ca. Người đời phần nhiều xử sự theo tình cảm, không ai chẳng cầu tiêu tai, tăng tuổi thọ; vì thế, niệm thêm Phật Dược Sư. Thật ra, oai thần công đức của A Di Đà Phật bằng với oai thần công đức của mười phương ba đời hết thảy chư Phật, chứ không phải là niệm A Di Đà Phật chẳng thể tiêu tai, tăng tuổi thọ!

5. Thư trả lời cư sĩ Châu Đức Đại

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

Tịnh Độ Thập Yếu - Ngẫu Ích Đại Sư


TỊNH ĐỘ THẬP YẾU
Ngẫu Ích Đại Sư tuyển chọn


"Một sách là Tịnh Độ Thập Yếu, mỗi chữ đều là lời hướng dẫn trong đời Mạt Pháp, mỗi lời đều là gương báu của Liên Tông. Buồn khóc ứa lệ, mổ tim vẩy máu, xứng tánh phát huy, tùy căn cơ mà chỉ bày. Dẫu có ví là vớt người chết đuối, cứu kẻ đang bị lửa thiêu cũng không thể sánh ví được nỗi lòng thống thiết của bộ sách ấy. Bỏ cuốn sách này đi thì chánh tín không thể do đâu mà sanh, tà kiến không do đâu mà diệt! Trong cuốn sách ấy, quan trọng nhất là sách Yếu Giải. Sách này chính là hướng dẫn tốt lành trên đường hiểm để người sơ tâm nhập môn đoạn nghi sanh tín, chỉ bày nẻo ắt phải theo để về được bảo sở. Sách Tịnh Độ Hoặc Vấn của ngài Thiên Như, sách Trực Chỉ của ngài Diệu Hiệp, thật là những bậc công thần đột phá kiên nhuệ nhất." 
(Ấn Quang Đại Sư)


1. Đệ Nhất Yếu
Phật Thuyết A Di Ðà Kinh Yếu Giải (Ngẫu Ích Đại Sư)

2. Đệ Nhị Yếu
Vãng Sanh Tịnh Độ Sám Nguyện Nghi (Tuân Thức Đại Sư)
Vãng Sanh Tịnh Độ Quyết Nghi Hạnh Nguyện Nhị Môn (Tuân Thức Đại Sư)

3. Đệ Tam Yếu
– Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sơ Tâm Tam Muội Môn (Thành Thời Đại Sư)
– Thọ Trì Phật Thuyết A Di Đà Kinh Hạnh Nguyện Nghi (Thành Thời Đại Sư)
(chưa có bản dịch)

4. Đệ Tứ Yếu
Tịnh Độ Thập Nghi Luận (Trí Giả Đại Sư)

5. Đệ Ngũ Yếu
Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận (Phi Tích Đại Sư)

6. Đệ Lục Yếu
Tịnh Ðộ Hoặc Vấn (Thiên Như Đại Sư)

7. Đệ Thất Yếu
Tây Trai Tịnh Độ Thi (Phạm Kỳ Đại Sư)
(chưa tìm được bản dịch hoàn chỉnh)

8. Đệ Bát Yếu
Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ (Diệu Hiệp Đại Sư)

9. Đệ Cửu Yếu
Tịnh Độ Sinh Vô Sinh Luận (U Khê Đại Sư)
Tịnh Độ Pháp Ngữ (U Khê Đại Sư)

10. Đệ Thập Yếu
Tây Phương Hợp Luận (Viên Hoằng Đạo Cư Sĩ)


Lời Tựa cho bộ Tịnh Độ Thập Yếu
(Trích từ Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên)

     Hết thảy các pháp môn do đức Như Lai đã nói trong suốt cả một đời tuy là Đại, Tiểu, Đốn, Tạm bất đồng, Quyền, Thật, Thiên, Viên sai khác, nhưng không pháp nào chẳng nhằm khiến cho hết thảy chúng sanh đều theo đường về nhà, khôi phục tâm tánh mà thôi! Nhưng những pháp ấy đều cần tự lực tu trì để đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử, hoàn toàn không được một sức nào khác nhiếp trì hòng chắc chắn được siêu phàm nhập thánh, thành tựu sở nguyện ngay trong đời này! Chỉ có pháp môn Tịnh Độ cậy vào sức thệ nguyện, nhiếp thọ của Phật và lòng thành tín nguyện niệm Phật của chính mình, bất luận đã chứng ngộ hay không; thậm chí kẻ chưa đoạn mảy may Phiền Hoặc nào vẫn đều có thể cậy vào Phật từ lực liền được vãng sanh Tây Phương ngay trong đời này. Đã được vãng sanh, nếu là người đã chứng ngộ liền lên thẳng Thượng Phẩm, kẻ chưa đoạn Hoặc vẫn dự vào dòng thánh.

     Do vậy biết pháp môn Tịnh Độ rộng lớn không có gì ra ngoài được, như trời che khắp, dường đất chở đều, thống nhiếp các căn cơ trọn chẳng sót vật nào! Thật có thể nói là pháp môn Tổng Trì thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh, thích hợp khắp ba căn, thâu trọn lợi căn và độn căn. Trên là bậc Đẳng Giác Bồ Tát chẳng thể vượt ra ngoài được; dưới là phàm phu nghịch ác vẫn có thể dự vào trong đó. Thỏa thích bản hoài xuất thế của đức Như Lai, mở ra con đường chánh để chúng sanh trở về nguồn. Vì thế, [pháp này] được chín giới cùng quay về, mười phương cùng khen ngợi, ngàn kinh cùng xiển dương, muôn luận đều tuyên nói.

     Huống chi đang nhằm thời Mạt Pháp, căn cơ con người kém hèn, bỏ pháp này tu pháp khác thì chẳng những hàng phàm phu bộn bề phiền não chẳng có cách nào thoát ly sanh tử, mà ngay cả bậc thánh nhân Thập Địa cũng khó viên mãn Bồ Đề! Vì vậy, Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ, Viễn Công, Trí Giả, Thanh Lương, Vĩnh Minh đều phát tâm Kim Cang hoằng truyền, tán dương, ngõ hầu lục đạo, tam thừa đều được vượt ngang ra khỏi tam giới, khôi phục lại tâm tánh vốn có. Trước thuật tại Thiên Trúc và Chấn Đán (Trung Hoa) [để tuyên giảng pháp môn này] nhiều khó thể kể xiết! Đại sư Ngẫu Ích chọn lấy chín tác phẩm khế hợp thời cơ nhất và bộ Di Đà Yếu Giải do chính mình trước tác, [gộp thành một bộ sách] đặt tên là Tịnh Độ Thập Yếu, muốn cho người học nhờ [xem] những tác phẩm này sẽ hiểu trọn vẹn chỗ trọng yếu trong sự độ sanh của đức Như Lai và nguyên do pháp này thống nhiếp khắp hết thảy các pháp.

     Đại Sư mất rồi, môn nhân là Thành Thời muốn [tác phẩm này] được lưu truyền trọn khắp pháp giới, nhưng sợ văn từ dài dòng, số lượng quyển quá lớn, chi phí lớn lao, khó thể [lưu truyền] rộng khắp được, bèn tóm lược câu chữ, đối với mỗi tác phẩm chỉ trình bày đại lược những ý chánh quan trọng, thêm vào những điều bình luận, quả thật hết sức lao tâm khổ tứ! Tiếc rằng Sư ỷ mình trí có thể chiếu soi trọn vẹn, đọc đến đâu, trích lược đến đấy, chẳng bỏ công tra duyệt lại, cứ cho khắc in ngay, đến nỗi lời văn nhiều chỗ mù mờ, lại thêm giọng điệu sai lầm, lời lẽ chẳng đạt ý vậy!

     Năm Dân Quốc thứ bảy (1918), cư sĩ Từ Úy Như đến thăm Quang; do ông ta lo liệu việc khắc in Tạng kinh, tôi bèn cậy ông ta sưu tập, khắc in bản gốc [của bộ Tịnh Độ Thập Yếu]. Sau đấy, ông ta bèn khắc in hai tác phẩm là Di Đà Yếu Giải và Tây Phương Hiệp Luận. Nay đã có được nguyên bản đầy đủ, cư sĩ Lý Viên Tịnh tính tái bản theo đúng như hình thức sách Tịnh Độ Thập Yếu [đã được in] trước kia: Phàm mỗi một lời bình luận do sư Thành Thời đã viết đều chiếu theo đó sao lục, chỉ bổ sung những chỗ sư Thành Thời khiếm khuyết, hòng chẳng diệt mất sự cực trí của sư Thành Thời, soạn thành bốn quyển. Do những chỗ trích lược khác nhau bao nhiêu đó chỗ, cho nên phải sắp xếp lại thứ tự từng quyển. Trước kia, Tây Trai Thi, Niệm Phật Trực Chỉ thứ tự trước - sau bị đảo lộn, nay sắp xếp lại cho thích đáng; cuối mỗi quyển đều kèm theo những bài văn quan trọng và [những đoạn trích từ] Triệt Ngộ Ngữ Lục. Lại còn đem Vãng Sanh Luận Chú và Liên Hoa Thế Giới Thi gộp thành một quyển để làm phụ bản, tổng cộng là năm quyển, thảy đều phù hợp với lời văn, ý nghĩa và tông chỉ của sách Thập Yếu, hoàn toàn chẳng khác biệt. Giống như những hạt châu nơi cái lưới của Thiên Đế soi bóng lẫn nhau, khiến cho những người đọc biết sâu xa pháp môn Tịnh Độ chính là chỗ quy túc của hết thảy các pháp. Hết thảy các pháp, không pháp nào chẳng lưu lộ từ pháp giới này, chẳng trở về pháp giới này!