Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2017

Khóa Tụng Sáng Tối


Tảo Vãn Khóa Tụng Nghi Quy
(Tịnh Không Pháp Sư giám định)
Nguồn: www.amtb.tw

Có rất nhiều đồng học thường hỏi về khóa tụng sáng tối, vì vậy ở đây hội tập vài loại khóa tụng của pháp môn Tịnh Độ, cung cấp các đồng học căn cứ thời gian khóa tụng mỗi ngày của chính mình dài hay ngắn mà chọn một loại trong đó để tu học. Nếu có thể tận hết một đời này, không có ngày nào tạm phế, tất có thành tựu!

1. Tịnh Tông Triều Mộ Khóa Bản do Tịnh Không Pháp Sư biên soạn. (Khóa sáng tụng phẩm 6, khóa tối tụng các phẩm từ 32 đến 37 kinh Vô Lượng Thọ)

2. Khóa tụng theo lời dạy của Ấn Quang Đại Sư: Kinh A Di Đà 1 biến, chú Vãng Sinh 3 biến, kệ tán Phật 1 biến, niệm Phật hiệu trăm câu, ngàn câu hoặc vạn câu tùy theo hoàn cảnh nhàn hay bận của mình mà định số, mỗi danh hiệu Bồ Tát 3 lần hoặc 10 lần, sau đó niệm kệ phát nguyện hồi hướng 1 biến.

Cụ thể như sau:

- Nam Mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát (3 lần)
- Phật Thuyết A Di Đà Kinh (1 biến)
- Vãng Sinh Chú (3 biến)
- Tán Phật Kệ:
A Di Ðà Phật thân sắc vàng
Tướng tốt quang minh tự trang nghiêm
Năm Tu Di uyển chuyển bạch hào
Bốn biển lớn trong ngần mắt biếc
Trong hào quang hóa vô số Phật
Vô số Bồ tát hiện ở trong
Bốn mươi tám nguyện độ chúng sanh
Chín phẩm sen vàng lên giải thoát

- Nam Mô Tây phương Cực lạc thế giới đại từ đại bi A Di Đà Phật.
- Nam Mô A Di Đà Phật (trăm câu, ngàn câu, ba ngàn câu, càng nhiều càng tốt, tùy theo hoàn cảnh nhàn bận mà định số. Vô luận niệm nhiều hay ít, chỉ nên từ ít tăng lên nhiều, không được từ nhiều giảm xuống ít)

Niệm Phật hiệu xong trở về chỗ, niệm Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát mỗi danh hiệu 3 lần:

- Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát
- Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát
- Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát

- Kệ Hồi Hướng:

a) Một lòng quy mạng, Thế giới Cực Lạc, Phật A Di Đà. Xin đem ánh tịnh, Soi chiếu thân con; Dùng nguyện từ bi, Mà nhiếp thọ con. Nay con chính niệm, Xưng hiệu Như Lai, Vì đạo Bồ Đề, Cầu sanh Tịnh Độ. Xưa Phật lập thệ: Nếu chúng sanh nào, Muốn về nước ta, Hết lòng tin ưa, Xưng danh hiệu ta, Cho đến mười niệm, Như không được sanh, Ta không thành Phật. Nay con nguyện nương, Nhân duyên niệm Phật, Được vào biển thệ, Của đức Như Lai; Nhờ sức Từ Tôn, Tiêu trừ các tội, Thêm lớn căn lành. Con nguyện lâm chung, Biết ngày giờ trước, Thân không bệnh khổ, Tâm không tham luyến, Ý không điên đảo, Như vào thiền định. Phật cùng Thánh Chúng, Tay cầm đài vàng, Đến tiếp dẫn con. Trong khoảng một niệm, Con về Cực Lạc, Hoa nở thấy Phật, Được nghe Phật thừa, Tỏ thông Phật huệ, Độ khắp chúng sanh, Mãn Bồ Đề nguyện.
Mười phương ba đời Phật, hết thảy Bồ Tát Ma Ha Tát. Ma Ha Bát nhã Ba La Mật.

b) Con nay xưng niệm A Di Đà, danh hiệu Phật công đức chân thật. Kính xin từ bi thương nhiếp thọ, chứng biết con sám hối, nguyện cầu. Xưa kia đã tạo bao nghiệp ác, đều do vô thủy tham sân si. Từ thân - miệng - ý phát sanh ra, hết thảy con nay xin sám hối. Nguyện con vào lúc sắp lâm chung, trừ sạch hết thảy các chướng ngại, tận mặt thấy Phật A Di Đà, liền được vãng sanh cõi An Lạc. Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ. Trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ ba đường. Nếu có ai thấy nghe, đều phát Bồ Đề tâm. Hết một báo thân này, cùng sanh cõi Cực Lạc.
Mười phương ba đời Phật, hết thảy Bồ Tát Ma Ha Tát. Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật.

(Trong 2 bài hồi hướng kệ tùy ý chọn một bài, khi niệm cần nương theo văn nghĩa mà phát tâm, nếu tâm không nương theo văn thì sẽ thành ra uổng công đọc suông, không được lợi ích thực sự, niệm kệ hồi hướng xong niệm Tam Quy Y, lễ bái lui ra. Ðây là công khóa sáng, buổi tối cũng như vậy.)

3. Khóa tụng của cư sĩ Lý Bỉnh Nam
Nếu như công việc cực kỳ bận rộn, [không có thời gian tụng kinh] thì chỉ cần niệm Phật cũng được, có thể dựa theo lời dạy của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam:

Khóa sáng thì lúc vừa ngủ dậy, khóa tối thì trước khi đi ngủ, rửa tay, súc miệng, đến trước tượng Phật, thắp nhang, dâng nước, chắp tay cung kính, rồi quỳ hoặc đứng, hoặc ngồi xếp bằng, dùng tâm chí thành niệm theo thứ tự sau:

- Nam mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo (niệm một lần, lễ một lạy).
- Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (niệm một lần, lễ một lạy).
- Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới đại từ đại bi A Di Ðà Phật (niệm một lần, lễ một lạy).
- Nam mô A Di Ðà Phật (trăm câu, ngàn câu, hai, ba ngàn câu, càng nhiều càng hay. Tùy mỗi người rảnh hay bận mà định số, nhưng phải từ ít tăng lên nhiều, chẳng được từ nhiều giảm ít đi. Bất luận niệm nhiều hay ít, chẳng cần phải lạy).
- Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát (niệm một tiếng, lễ một lạy, hoặc niệm ba lần, lễ ba lạy).
- Nam mô Ðại Thế Chí Bồ Tát (như trên).
- Nam mô Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát (như trên).

- Kệ Hồi Hướng:
Nguyện đem công đức này
Trang nghiêm Phật Tịnh Ðộ.
Trên đền bốn ân nặng.
Dưới cứu khổ tam đồ
Nếu có ai thấy nghe.
Ðều phát lòng Bồ Ðề,
Hết một báo thân này,
Cùng sanh cõi Cực Lạc.
(lễ ba lạy)

(Theo Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập)

4. Chuyên nhất lễ bái Phật A Di Đà
Thân lạy Phật, tâm tưởng Phật, sáng tối đều như vậy. Lạy Phật không chỉ có là rèn luyện thân thể mà còn có thể sám trừ nghiệp chướng, tiêu trừ tâm ngạo mạn, đạt đến hiệu quả tu hành tốt nhất "thân động, tâm bất động". Lạy Phật xong niệm kệ hồi hướng, cầu sinh Tây Phương Cực Lạc.

Tại khóa tụng buổi tối, trước khi tụng kinh và sau khi tụng kinh, đối trước tượng Phật chắp tay lạy ba lạy. Nếu như không có tượng Phật thì hướng về quyển kinh hoặc hướng về phương Tây cũng được. Quả có thể thường hành trì không gián đoạn như thế, Phật ắt sẽ từ bi thương xót, cầu nguyện vãng sinh tất có thể được mãn nguyện. Lúc lâm chung Phật cùng thánh chúng phóng quang tiếp dẫn, vãng sinh Cực Lạc.

Tu học pháp môn Tịnh Độ, cần phải sinh Tín Nguyện, chớ có hoài nghi.
Phía trên đã nêu là khóa tụng sáng tối mỗi ngày, nếu là người cực nhàn, ngoài hai thời sáng tối ra, mỗi thời mỗi khắc đều không rời câu Phật hiệu. Người nửa nhàn nửa bận, ngay khi làm việc xong liền niệm Phật, trong 4 loại khóa tụng sáng tối ở trên tùy ý chọn một loại làm khóa tụng cho mình. Nếu như là người cực bận, không cách nào hoàn thành hai loại khóa tụng phía trước, có thể chọn loại thứ ba. Chỉ cần ngày ngày kiên trì, không để gián đoạn, công phu ngay tại trong đó.

Lập khóa tụng sáng tối, ước định số câu niệm Phật, số lần lạy Phật, có thể từ ít tăng lên nhiều, kỵ nhất trước nhiều sau ít, nên tùy theo công phu của chính mình mà tăng dần.
Ví như ban đầu mỗi lần niệm một ngàn tiếng Phật hiệu, nếu như qua một thời gian, có thể ngày ngày kiên trì, lại tăng thêm số câu niệm Phật, cứ như vậy chậm rãi từng bước một gia tăng, tín tâm và sức hành trì của mình sẽ càng ngày càng kiên cố, không dễ thoái chuyển. Nếu như ban đầu công khóa định quá nhiều, giả sử có một ngày không thể hoàn thành, một khi đã lười biếng, muốn tinh tấn trở lại liền gặp khó khăn. Tu hành kỵ nhất một nóng mười lạnh, cần phải tuần tự tiệm tiến, không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Thỉnh các đồng học từ ít đến nhiều, dần dần tăng số lượng, ngày ngày kiên trì, công phu ngay ở chỗ miên mật không gián đoạn mà tăng trưởng.

Phật Đà Giáo Dục Võng Lộ Học Viện kính dâng
Ngày 30 tháng 3 năm 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét