TỊNH TÔNG ĐỒNG HỌC TU HÀNH THỦ TẮC
(Quy tắc tu hành của đồng học Tịnh Tông)
(Quy tắc tu hành của đồng học Tịnh Tông)
Phần 5
LUẬT YẾU TIẾT LỤC
Quyển Hạ
Trong tâm chứa đức sư tử,
Ngoài thân hiện oai tượng vương.
1) Kinh Hoa Nghiêm nói: giữ gìn trọn đủ phép dạy oai nghi, hay khiến ngôi Tam-bảo chẳng đoạn, phải vậy.
2) Đời mạt-pháp tình người hay sanh tâm biếng nhác, cho nên nghe nhiều thời sanh tâm chán nản, vì thế nên bớt bỏ văn nhiều mà dùng câu tóm gọn cho dễ người học và đọc.
3) Tạp A-hàm kinh nói: “Phật bảo các tỳ-kheo, nên giữ lòng cung kính, thường nhiếp buộc tâm, thường thận trọng kinh sợ. nếu không cung kính, chẳng nhiếp buộc tâm, chẳng thận trọng lo sợ, mà muốn làm cho oai nghi được đầy đủ quyết không thể được. Không đủ oai nghi, muốn cho học pháp được viên mãn quyết không thể được. Học pháp chẳng viên mãn mà muốn khiến cho ngũ phần pháp thân được đầy đủ quyết không thể được. ngũ phần pháp thân chẳng đầy đủ mà muốn đạt đến vô dư Niết-bàn quyết không thể được.
4) Trong Đại Luật dạy: phàm người xuất gia, chỗ có nói năng đều phải nói lời có lợi ích, chẳng nên riêng giận và bàn luận việc người. Trong Luận nói: bằng đến nhà thế gian, nói tội lỗi của tỳ-kheo thời người thế gian kia, đối trong phật-pháp, đã không tâm tín kính lại còn gây tội hủy báng thêm gốc khổ cho họ. Nếu ta nói tội lỗi thật ra lại là làm hư mất pháp thân của ta vậy.
5) Luật dạy: “đệ tử gặp hòa-thượng nên đầy đủ bốn tâm: (1) thân ái ; (2) kính thuận ; (3) úy nan (sợ khó) ; (4) tôn trọng. Phải khéo phụng dưỡng và tiếp nhận sự truyền thừa khiến cho chánh pháp được cửu trụ, lợi ích càng được tăng trưởng rộng lớn.
6) Thiên Thành Phạm nói: sa-di ở với Thầy thường có tâm kỉnh sợ, thuận theo ý thầy, thường biết xấu hổ lo đền 4 ân, cứu giúp 3 cõi.
7) Thầy là người làm khuôn mẫu dạy chúng sanh trong 3 cõi, thế Phật diễn nói chánh pháp, sanh giới thân cho ta, nuôi huệ mạng cho ta, nên ta phải kính trọng coi cũng như Phật.
8) Thầy tọa thiền chẳng lên làm lễ, thầy kinh hành chẳng nên làm lễ, thầy ăn cơm, thầy thuyết kinh, thầy đánh răng, thầy tắm rửa, thầy ngủ nghỉ, v.v… đều không nên làm lễ. Thầy đóng cửa chẳng nên làm lễ ngoài cửa. Muốn vào cửa lễ lạy, nên khảy móng tay ba lần (gõ nhẹ lên cửa 3 lần khiến cho thầy biết). Thầy không ưng thuận thì nên đi.
9) Hầu thầy chẳng được đứng trước mặt, chẳng được đứng chỗ cao, chẳng đặng quá xa, phải đứng sao để thầy nói nhỏ mình nghe được khỏi phí sức thầy.
10) Bằng thưa hỏi câu chuyện Phật pháp, nên y áo chỉnh tề lễ bái, quỳ gối chắp tay mà thưa hỏi. Thầy có lời dạy bảo thì phải lắng lòng nghe kỹ, in sâu vào óc.
11) Vì vọng niệm chẳng khởi nên gọi là lắng lòng. Vì lóng nghe nên gọi là văn-huệ. Vì nhớ nghĩ tư duy nên gọi là tư-huệ, vì in sâu vào óc gọi là tu-huệ. Song nghe có 3 bực: (1) lấy thần mà nghe gọi là bực thượng; (2) lấy tâm mà nghe gọi là bực trung; (3) lấy tai mà nghe gọi là bực hạ.
12) Ngũ Thập Tụng Luật nói: làm đệ tử thường mến mộ đức của thầy chớ nên xoi bới lỗi nhỏ. Có tâm tùy thuận theo thầy thì được thành công, còn chăm nhìn vào lỗi thầy thì tự mình tổn phước. Chỉ Quán nói: “cầu thầy chẳng phải ở nơi tận thiện tận mỹ, hầu thấy tất phải biết quên đi cái lỗi của thầy.”
13) Bồ-tát Tùng Đẩu-Suất Hạ Sanh Kinh nói: người làm thị giả hầu thầy cần có đủ tám pháp: (1) Tín căn kiên cố ; (2) Kỳ tâm mịch tiến (có tâm tìm học, cầu tiến) ; (3) Thân không các bệnh ; (4) Tinh tấn (5) Cụ niệm tâm (đủ tâm thương thầy) (6) Tâm không kiêu mạn ; (7) Năng thành định ý (tâm bình tĩnh và quyết định) ; (8) Cụ túc văn trí (đầy đủ trí nghe).
14) Phàm đệ tử phải lựa bậc minh sư gần gũi cho lâu, chớ nên lìa thầy quá sớm. Bằng thầy thật sự không thông hiểu Phật-pháp, thì nên riêng cầu bậc lương đạo.
15) Đạt-thẩu-noa là phạm ngữ, xứ này dịch là thí. Thí pháp thời gọi là Pháp-thí, thí tài thời gọi là Tài-thí. Người tại gia thực hành tài-thí, kẻ xuất gia thực hành pháp-thí. Kinh Nhứt Lãm nói: tài-pháp nhị thí đầy đủ thì thành tựu, phước huệ lưỡng toàn mới có thể làm Phật.
16) Phàm nghe tiếng chuông chắp tay thầm tưởng bài kệ rằng: “nghe tiếng chuông, phiền não nhẹ trí huệ trưởng, bồ-đề sanh. Lìa địa-ngục, vượt hầm lửa, cầu thành Phật độ chúng sanh.” – Án già ra đế da ta bà-ha (3 lần).
17) Tạp Dụ Kinh nói: “Văn chung ngọa bất khởi, hộ pháp thiện thần sân, hiện tại duyên quả bạc, lai báo thọ xà thân. Sở tại văn chung thinh, ngọa giả tất tu khởi, hiệp chưởng phát thiện tâm, hiền thánh giai hoan hỷ”. Nghĩa rằng “nghe tiếng chuông nằm chẳng dậy, vị hộ pháp và thiện thần giận, đương đời phước quả ít, mắc báo sau này làm thân rắn. Cho nên khi ta nghe tiếng chuông, ai còn nằm cũng phải ngồi dậy, chắp tay phát tâm lành, hiền thánh đều hoan hỷ”.
18) Người hiền có ba điều sợ: thầy tà, bạn xấu và ác thuật, bởi vì nó hay ngăn chánh đạo, dẫn đi đường tà. Sớm biết thì được lành thiện, bằng không biết phản tỉnh, thì khi sống không chút lợi ích, chết đi phải chịu khổ dài dài.
19) Chẳng được ngồi nhìn đại chúng làm việc nặng nhọc mà mình tránh nhác trộm yên. Ngồi nhìn là người không biết hỗ thẹn, mà biếng nhác thì tổn phước. Kinh Thập Giới nói: “phẩi tận sức làm các việc của chúng Tăng”.
20) Chẳng được lấy riêng của Chiêu-đề (của Thường Trụ) như tre, cây, hoa quả, rau trái, tất cả đồ ăn uống cùng hết thảy đồ vật, v.v…
21) Chẳng được đàm luận việc được mất thuộc triều đình công phủ, chính trị và những việc hay dỡ tốt xấu của người thế gian. Kinh Thập Giới nói: “chẳng được luận nói chuyện quốc gia chánh sự, luận bàn việc hay dỡ, việc xuất trận hành binh, cùng đánh dẹp hơn thua” phải vậy.
22) Chẳng được nhân việc nhỏ mà tranh chấp, nếu gặp việc lớn khó nhẫn cũng phải tâm bình khí hòa, dùng lý lẽ để biện luận, không được thì từ mà đi, nổi giận nói lời thô, tức không phải là tăng sĩ tốt.
23) Trong Đại Luật nói: “người không tu nhẫn nhục có năm điều lỗi: 1.- hung ác càng thêm; 2.- Việc rồi hối hận; 3.- Nhiều người không ưa; 4.- Tiếng dữ đồn khắp; 5.- Chết rồi đọa đường ác.
24) Trong Tứ Phần Luật, Phật dạy tỳ-kheo khi ăn, nên cúng thí đồ ăn cho người chẳng phải người (hàng phi nhân), nhẫn đến một nắm cũng được, tùy chỗ thành tâm.
25) Phàm cơm xuất sanh nên để trong lòng bàn tay trái, tưởng niệm kệ rằng: “Nhữ đẳng quỷ thần chúng, ngã kim thí nhữ cúng, thử thực biến thập phương, nhất thiết quỷ thần cộng”. Nghĩa rằng các ngươi chúng quỷ thần, ta nay cúng thí cho người, cơm này khắp đủ mười phương, tất cả chúng quỷ thần.
26) Phàm khi ăn phải làm năm phép quán: Một là xét kể công lao nhiều ít so với chỗ người mang đến, nếu ta không tu hành, một hột gạo cũng khó tiêu. Hai là xét đức hạnh mình đủ hay thiếu mà thọ nhận người cúng dường, nếu không giữ giới, ngồi thiền, tụng kinh, làm sáng việc Tam-bảo, thì đức kém, hạnh thiếu, không đáng thọ nhận người cúng dường, nếu thọ thì bị của thí đó làm cho ta phải sa đọa. Ba là ngăn tâm khỏi lỗi, mà tham sân là gốc. Kinh Luận Di Lặc Sở Vấn nói: “tất cả tâm hành ác, đều từ tham, sân, si sanh khởi. Bốn là chính như thuốc hay, chữa trị thân hình khô gầy. Nếu thấy được ăn uống, phải tưởng như là uống thuốc. Năm là vì thành đạo nghiệp, nên thọ thức ăn này. Nếu không vì đạo thì một hột gạo cũng khó tiêu.
27) Bộ Ma Đức Lặc Già Luận nói: “nếu khi được ăn uống, mỗi miếng nên niệm thầm rằng: muỗng thứ nhất nguyện dứt tất cả việc ác. Muỗng thứ hai nguyện tu tất cả việc lành. Muỗn thứ ba chỗ tu các việc lành, nguyện hồi hướng cho tất cả chúng sanh, đều đồng thành Phật.”
28) Người xưa (như vua Vũ) nghe được lời lành liền bái tạ, (thầy Tử Lộ) nghe người chỉ lỗi cho thì vui mừng, đó là khí tượng của bậc thánh hiền, sao ta không bắt chước?
29) Trong kinh Thập Giới nói: “phàm nghe pháp tưởng như đói được ăn, như khát được uống, tất bóng (thời gian) không bỏ, chẳng cảm thấy chán khi nghe nhiều mới gọi là Phật tử.
30) Ba món huệ là Văn, Tư và Tu (nghe, suy gẫm và tu tập), thiếu một cái cũng không thể được. Nếu nghe mà không suy gẫm, như người cày ruộng xong mà không gieo giống. Suy gẫm mà không tu, cũng như có gieo giống, nhưng không tưới nước và làm cỏ, cuối cùng không kết thành hạt. Nếu ba món huệ này được kiến lập, thì quả Tam-thừa quyết có thể được vậy.
31) Kinh Pháp Luật Tam-muội nói: (1) Học mà không biết được quyền hay chước khéo, khinh dễ thầy bạn, không có nhứt tâm, thời ý hay dời đổi. (2) Học văn chảy chuốt mà không có thực hành, chỉ tham danh dự, trông mong được người kính trọng. (3) Học chỗ hầu thầy, chẳng siêng năng chịu khó, vừa được chút thành tựu, liền hư trương cống cao. (4) Ưa thích học sách ngoại đạo, lại đem những dị thuật để sánh với lời kinh sâu mầu của đức Phật, nói rằng đạo đạo đều ngang nhau. Những ác kiến như thế còn vượt hơn là thuốc độc, tất có hại cho “pháp thân huệ-mạng” vậy.
32) Người xưa nói: việc học của người quân tử vào lỗ tai, để trong lòng, bủa khắp “tứ-chi” bày theo khi động tịnh. Còn việc học của kẻ tiểu-nhân thì vừa vào tai liền tuôn ra miệng, ở trong phạm vi của tai miệng chừng bốn tấc thôi, đâu đủ lành cho cái thân cao đến bảy thước!?
33) Giới lực giữ chưa được vững chắc, phải trở lại học luật, chớ nên sớm tới trường giảng kinh, luận. Giữ giới chưa vững thời tâm chí không định, gót chân chưa vững tất bị phong trần dồn dập xuống lên. Tánh tướng hai tông, làm sao thông hiểu được? Chẳng phải bỏ đây thích kia, tức cũng bài bác không nhân không quả, chê bai lẫn nhau, đến nỗi chuốc lấy tội nặng vô-gián, nên không thể không kiên dè đó ư!
34) Trong Ngũ Khổ Chương Cú Kinh, Phật dạy: bực thiện tri thức muốn dạy kẻ mới học, nên thong thả từ từ, giảng dạy các việc ma cho họ biết nhơn duyên của ma để giữ gìn. Tội khổ trong đường sanh tử, năm đường phân rành, khiến họ tin có tội phước, mọi sự được làu thông rồi, bây giờ mới có thể nói việc đạo.
35) Luận người học phải y lời Phật dạy, chẳng được bỏ thứ lớp mà học, cho nên trước học luật, sau học kinh, như thợ mộc có dây mực, quy củ nắm chắc trong tay. Trước học kinh sau học luật như thợ mộc thiếu dây mực, thời kiểu mẫu vuông tròn ắt là sái phép.
36) Trong Đại Luật – Phật dạy có hai phép học: (1) tụng kinh và hiểu nghĩa. (2) tham thiền và quán tưởng. Thiền là để lắng vọng hiển chơn, giải là để khái phát diệu huệ. Kinh Bát Nhã nói: (1) học tham thiền để khai mở trí tuệ. (2) học kinh để làm rộng thêm trí tuệ.
37) Bực cổ đức nói: người mà biết nhiều thì việc nhiều, chẳng bằng dứt ý. Lo nhiều thì tổn thất nhiều, chẳng bằng chuyên nhất. Lo nhiều thì chí tán, biết nhiều thì tâm loạn. Tâm loạn thì phiền não sanh, chí tán thì ngăn ngại đạo.
38) Hoặc có vị đàn-việt tín tâm đến thỉnh Tăng, muốn cầu phước để cho kẻ còn người mất được lợi ích, thì Phật cũng bảo một vị tỳ-kheo đến thuyết kệ và chú nguyện, cho đến tụng chừng một quyển kinh cũng đủ lợi ích cho người thí chủ.
39) Sách Nho nói: trời thì có tai hoạn khá cầu, người thì có họa phước khá chuyển. Sở dĩ làm lành thì trời ban xuống trăm phước, làm chẳng lành thì trời gieo xuống cho trăm họa. Người xưa nói: một niệm lành thì khí hòa gió tốt, một niệm ác thì quỷ dữ yêu tinh. Xét xưa nghiệm nay, cũng đủ làm chắc thật.
40) Giàu sang nghèo hèn, tốt xấu được mất đều do đời trước tự mình gây tạo nghiệp nhân thiện ác, cho nên đến đời này được báo đáp. Tóm lại, y báo, chánh báo thọ quả chẳng đồng, chung quy vẫn tự mình tự gây tạo thiện ác. Nếu có thể dời đổi cố nhiên chẳng phải chỗ khả năng của con người vậy.
41) Trong Đại Quán Đảnh Kinh, Phật nói: sau khi ta diệt độ 1000 năm, có số tỳ-kheo thích học tập binh pháp, gần gũi quốc vương, cùng các vương tử, phụ tướng lương dân để rồi hủy diệt pháp của ta. Do vậy về sau, thường gặp ác tâm, đoạn diệt pháp ta, tháp tượng bị hủy hoại, do không có thần nghiệm, thiện thần không còn ủng hộ, nên khiến cho bị hủy hoại, không người phòng hộ ngăn chế. Pháp của ta đã biến hóa, vì vậy mà dần dần tiêu diệt.”
42) Kinh Thập Giới nói: chẳng được ngước xem lịch số, coi tướng giàu nghèo, nào nhựt thực, nguyệt thực, các sao dời đổi, núi lở, đất động, gió mưa, nắng lụt, năm được mùa và năm mất mùa, trong năm có tai dịch hay không tai dịch, v.v… các việc như trên quyết không nên học.
43) Họa phước định số đều bởi nhân đời trước. Nhân trước tuy đã định nhưng làm lành cũng có thể diệt được cái tội xưa. Làm ác quyết tổn phước lành của mình. Làm lành có thể bù lại cái quấy trước. Cho nên người đời có câu: cảnh cuộc đời người chẳng phải không, toàn nhờ âm chất giúp mới xong. Giàu sang bằng theo địa-lý đặng. Quách Phác dẫu còn cũng khó trông. Nguyên văn: phong thủy nhân giân bất khả vô, toàn bằng âm chất lưỡng tương phù. Phú quý nhược tùng phong-thủy đắc. Tái sanh Quách Phát dã nan đồ.
44) Phật bảo A-nan: “chúng sanh đời mạt pháp, bởi các tà sư mê hoặc, bảo giết hại chúng sanh cúng tế nếu muốn cứu nguy ách. Kẻ giết hại đã đắc tội, và thiên thần địa thần kia tất cũng chẳng dám thọ nhận. Vì vậy nên ta nay rộng diễn nói chương cú quán đảnh, chân thật chú thuật, để hóa độ các vị chưa tin, chẳng liễu giải đạo vậy. Ông nên lưu bố tuyên truyền, chớ để cho hủy thất”.
45) Chẳng được tập học sách vở ngoại đạo trừ trí lực có thừa, vì muốn biết sự sâu cạn của nội giáo và ngoại giáo thì có thể lội qua vượt qua, song cũng đừng sanh ý tưởng tập học.
46) Chẳng được học tập thi từ, không được để tâm luyện tập viết chữ cầu cho khéo, chỉ cần viết chép ngay ngắn là đủ.
47) Đối với kinh điển cũng như đối với Phật, không được giỡn cười. Không được mượn kinh của người để coi mà không trả, lại không gia tâm quý trọng để đến nỗi hư rách.
48) Phàm vào cửa chùa, không được đi chính giữa, phải duyên theo bên trái bên phải mà đi. Duyên bên trái thì bước chân trái trước, duyên bên phải thì bước chân phải trước.
49) Nếu lễ lạy Tam-bảo, thường niệm tưởng Tam-bảo chỉ đồng một thể. Giác ngộ rồi thì tất cả pháp gọi là Phật-bảo. Các pháp được giác ngộ đó gọi là Pháp-bảo, những người học pháp của Phật đó gọi là Tăng-bảo. Thời đủ biết tất cả phàm, thánh đều là đồng một thể không hai vậy.
50) Tự là Từ vậy, là nơi nghị sự. Từ là nơi thuộc về việc của nội phủ, cho nên đấng thiên-tử có cửu tự. Hán Minh Đế năm Vĩnh Bình thứ 10, hai vị pháp sư Thiên-trúc Ma-đằng & Pháp-lan dùng bạch mã để chở kinh tượng đến Lạc-dương, được sắp xếp đi thẳng về an trí ở Hồng Lô Tự. Qua năm kế thì sắc lệnh bên ngoài Ủng Môn kiến lập riêng một cái Tự khác. Dùng Bạch Mã làm tên, chính là để chẳng quên cái gốc vậy, lại gọi tên là Tự.
51) Phật nói: nhiễu tháp có năm phước đức: (1) đời sau được thân tướng đoan chính. (2) được tiếng tăm tốt. (3) được sanh lên cõi trời. (4) được sanh trong nhà vương-hầu. (5) được đạo Niết-bàn.
52) Khi vào điện đường, Luật dạy phải đủ năm phép: (1) Cần có từ tâm cung kính tôn trọng người. (2) Nên thấp mình khiêm tốn như khăn lau bụi. (3) Phải biết khi ngồi, khi đứng dậy, khi cúi ngước cần phải theo thời. (4) Ở trong chúng không được nói lung tung. (5) Đối với những việc không thể nhẫn được cũng phải giữ im lặng.
53) Khi xem kinh, phải vững mình ngồi ngay ngắn, lắng lòng nghiêm tịnh quán xét, chẳng được phát tiếng. Vững mình ngồi ngay thì niệm chánh, lắng lòng thì lý sanh vậy.
54) Nên quý tiếc đồ vật của tăng-chúng. Đại luật nói: “Giữ gìn đồ vật của thường-trụ của chúng-tăng như giữ gìn tròng mắt của chính mình. Thiên Hành Hộ nói: “Lỡ có làm tổn hao các đồ vật của thường-trụ Tam-bảo, thì nên đền trả lại.
55) Đời nay chẳng biết tiếc của, đời sau không có để sài, việc đời còn vậy. Huống chi là vật của thường-trụ chúng tăng, mà chẳng gia tâm quý tiếc giữ gìn hay sao!?
56) Kinh Ôn Thất nói: tắm rửa có thể trừ được bảy thứ bệnh: (1) thân tứ đại nhẹ nhàng. (2) trừ chứng phong khí. (3) trừ chứng tê thấp. (4) trừ bệnh lạnh rét. (5) trừ bệnh nhiệt khí. (6) trừ nhơ nhớp. (7) thân được sạch, mắt được tỏ. Song cũng không nên tắm thường, trừ khi có nhân duyên như làm việc bụi đất, v.v…
57) Nằm phải nằm nghiêng hông bên phải gọi là cách ngủ tốt lành, chẳng được nằm sấp, cùng nằm nghiêng hông bên trái.
58) Đại luật nói: có năm hạng người hỏi pháp đều không nên vì họ mà thuyết: (1) thí vấn: hỏi thử. (2) vô nghi vấn: không nghi mà cố hỏi. (3) bất vi hối sở phạm cố vấn: không vì mình dạy bảo chỗ quấy, chẳng vì biết hối lỗi mà cố hỏi. (4) bất ái ngữ cố vấn: không phục lời nói của mình nên cố hỏi, hỏi cho ra lẽ. (5) cật nạn cố vấn: cố hỏi để bắt bẻ làm khó. Những người thưa hỏi như trên đều không nên đáp.
59) Nếu vì họ mà thuyết Phật-pháp, trước phải khiến họ sanh tâm kính tin thâm sâu, phước huệ tăng trưởng, vượt thoát luân hồi, cũng tức là độ cha mẹ vượt ra khỏi biển khổ sanh tử luân hồi vậy.
60) Chẳng được ngó liếc hai bên, chẳng được nói chuyện tạp, nếu cùng với người nữ nói chuyện chẳng được thấp giọng nói thầm, chẳng được nói nhiều. Chẳng được trá hiện oai nghi, giả trang thiền tướng cầu người cung kính. Chẳng được vọng thuyết Phật-pháp, loạn đáp lời hỏi của người, tự khoe mình đa văn, cầu người cung kính.
61) Chẳng được nói lỗi lầm trong tăng-chúng, phàm là người chưa phải bực thánh-triết, mấy ai không lỗi. Ngài Ca-diếp còn đứng lên múa, vua Nghiêu Thuấn còn mắc các bệnh. Ta không có con mắt-huệ đâu thể xét biết kia phải quấy thế nào, đức độ chúng-tăng lớn như biển, Phật còn khen ngợi, nếu ta chỉ trích, tự mắc khổ báo vậy.
62) Đi khất thực có được 10 điều lợi: (1) để nuôi mạng sống thuộc về lợi mình, chẳng thuộc lợi người khác. (2) Người cho ta ăn, phải tưởng làm sao ngôi Tam-bảo được bền lâu vậy sau mới ăn. (3). Thường sanh lòng thương xót. (4) thuận theo lời Phật dạy. (5) Dễ no và dễ sống. (6) Bẻ gãy tâm kiêu mạng. (7) Được căn lành. (8) khiến những người lành nhìn thấy liền bắt chước. (9) Chẳng cùng nam nữ gần nhau. (10) Thứ lớp khất thực, sanh tâm bình đẳng.
63) Kinh Phật Thoại nói: “Tỳ-kheo ở nơi tụ-lạc, dầu nghiệp thân khẩu tinh tấn chư Phật vẫn thường lo. Tỳ-kheo ở núi rảnh việc nằm không, chư Phật thảy đều mừng”. Nên cổ đức nói: “Tăng trụ thành hoàng Phật tổ ha. Tiên-hiền đô thị ẩn nham a. Sơn-tuyền lưu xuất nhân gian khứ. Thanh-thủy y nhiên thành trược ba”. Nghĩa rằng: ” Tăng ở thị thành Phật-tổ la. Tiên-hiền quý vị ở non mà. Nguồn trong trên núi nhân gian chảy. Thanh thủy trở thành sông đục ra”.
64) Không được kèo nài mắc rẻ, cần thuận theo giá cả, chẳng nên xin bớt làm kém hao của người. Chẳng nên trả giá mắc, làm lãng phí của tín thí và thường trụ.
65) Đã hứa mua vật của người trước, người sau tuy có rẻ hơn cũng đừng bỏ kia mua đây khiến cho người chủ trước sân giận, lại đó chẳng phải tâm của người tu đạo.
66) Phải cẩn thận chớ bảo lãnh những người mắc nợ. Nếu ta bảo lãnh tội lỗi, nợ nần của người kia, về sau lại trở thành oán trách phỉ báng, đến nỗi ta phải mang lấy ương lụy vậy.
67) Phàm khi ra vào qua lại trước phải bạch thầy. Cho đến việc lớn, hoặc đi du phương, hoặc đi nghe kinh, hoặc đi nhập chúng, hoặc đi giữ vườn, hoặc muốn xây dựng việc chùa chiền, v.v… đều phải bạch thầy, chẳng được tự làm theo ý mình.
68) Đi xa phải nương bạn lành. Kinh Tâm Địa Quán nói: “Hết thảy bồ-tát tu thắng đạo, có bốn pháp yếu cần phải nên biết. Gần gũi bạn lành là một. Biết lắng nghe chánh pháp là hai. Như lý tư duy quán sát là ba. Như pháp tu hành chứng quả là bốn. Mười phương tất cả các bậc đại thánh đều tu theo bốn pháp yếu này mà chứng được bồ-đề”.
69) Kinh Nhân Quả nói: “Bạn lành có ba việc cần yếu. (1) thấy mình có lỗi liền biết can gián cho nhau. (2) Thấy mình có việc tốt liền hết lòng sanh tâm tùy hỷ. (3) Lúc gặp khổ nạn không rời bỏ nhau”.
70) Người xưa khi tâm địa chưa thông thì chẳng ngại đường xa nghìn dặm cầu thầy. Phải vì tìm thầy học đạo, quyết dứt đường sanh tử, chớ nên vì xem non ngắm biển, chỉ tính việc ngao du rộng xa để khoe khoang với người.
(Bản Việt dịch lấy từ nguồn quanam.us)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét