Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

Luật Yếu Tiết Lục - Quyển Thượng

TỊNH TÔNG ĐỒNG HỌC TU HÀNH THỦ TẮC
(Quy tắc tu hành của đồng học Tịnh Tông)
Phần 5

LUẬT YẾU TIẾT LỤC
Quyển Thượng

Khí thanh cao như sao sáng trời,
Oai nghiêm tịnh dường gió tan mây

1) Phàm phu từ vô thủy kiếp đến nay, bị màn vô minh che lấp chơn tánh, nên khởi các vọng tưởng, vin theo ngoại cảnh lục trần, lung tình nhiễm theo năm món dục ở thế gian. Đem thân khẩu ý tạo nhiều lỗi lầm, đọa lạc vào ba đường ác, luân hồi trong sáu nẻo, không mong có ngày được ra khỏi.

2) Sa-di lúc mới phát tâm xuất gia, vâng giữ 10 giới, siêng năng sách tấn tu hành, đoạn trừ phiền não hoặc-tập để mà cầu chứng được Niết-bàn diệu quả.

3) Giới là răn cấm, Luật là phép tắc. Phòng ngừa điều quấy, ngăn dứt điều ác nên nói là giới. Xử đoán nặng nhẹ, lúc nào nên khai duyên hay cấm chỉ mà khéo giữ cho đúng là trì hay phạm nên nói là luật.

4) 10 giới xác thật là thềm thang để vượt xuất thế gian, là cánh cửa đi vào Niết-bàn vậy.

5) Do bệnh của chúng sanh chẳng phải một, nên phương thuốc được chia ra thành nhiều toa.

6) Luật chế tỳ-kheo, năm hạ về trước ròng chuyên rành về giới luật. Cần phải hiểu rỏ thế nào là trì, phạm, biện rỏ việc của tỳ-kheo rồi thì về sau mới được phép học tập kinh luận. Người thời nay học hỏi bỏ qua thứ lớp, nên chỗ hành trì đã mất đi thứ tự thì không do đâu mà được nhập đạo.

7) Khinh giới chính là toàn tự khinh mình; hủy bỏ luật lại trở thành chính tự hủy mình vậy. Ôi! tình vọng dễ quen huân tập, cái tột cùng của đạo khó nghe, những bực tột chứng siêu quần trong vạn người khó có một.

8) Kẻ ngu không có con mắt huệ, chẳng biết rõ phải quấy, cuồng vọng tà kiến cố chấp, chẳng biết tuân theo thứ lớp mà học.

9) Phật tạng kinh nói: “trước chẳng chịu học tiểu thừa, sau rồi mới học đại thừa, như vậy chẳng phải là đệ tử Phật.”

10) Giới chính là phao nổi để vượt qua biển khổ, là chuỗi anh lạc để trang nghiêm pháp thân, cho nên cần phải cẩn thận, chớ để có chổ tơ hào khuyết phạm.

11) Vân Nhất luật sư nói: “Phật pháp ba đời đều lấy giới làm căn bản. Cái gốc mà không chịu tu thì cách đạo càng xa vời lắm vậy.”

12) Kinh Dịch nói: “đức của thánh nhân sánh bằng trời đất, sáng bằng nhựt nguyệt, biết thời tiết bốn mùa, cùng quỷ thần biết sự kiết hung. Đây là những bậc thánh ở thế gian.

13) Thánh nhân xuất thế gian tuy không nghe tiếng nói nhưng hiểu biết tâm niệm chúng hữu tình trong chín cõi, thấu lý chơn đế rõ các cơ đức sánh bằng pháp giới. cùng hai trí (căn bản trí & hậu đắc trí) sáng hiệp nhau, cùng thời biết bốn cơ (nhơn thiên, nhị thừa, bồ-tát & Phật) hiệp nhau, tối sáng cùng các thánh hiệp nhau.

14) Luật rằng: “nên nhớ nghĩ chỗ xuất thân cùng ân đức của thầy bạn mà tinh tiến hành đạo, hầu mong độ thoát mẹ cha.”

15) Bọ bay máy cựa, côn trùng nhỏ nhít, bẩm thụ đầy đủ sắc thân tâm tánh, đồng một nguồn giác, tham sanh úy tử, đau thương vui khổ cùng với loài người chẳng khác. Đã đồng một nguồn giác tức vị lai cũng đều là chư Phật.

16) Sáu căn sáu thức, nương nhau tương tục sanh khởi nên viết là mạng. Một khi tướng tương tục này đoạn dứt thì liền nói là chết.

17) Trong ba nghiệp (thân, khẩu, ý) thì tâm là chủ tể, nên khi kết tội có nhẹ có nặng là do tâm đối cảnh không đồng mà ra.

18) Kinh nói: “không được thiêu đốt núi rừng vì tổn hại đến chúng sanh; moi móc hồ ao ngăn ngòi lấp rạch sẽ khiến tàn hại các loài thủy tánh.”

19) Đạo lý từ bi chính là con đường lớn lợi ích chúng sanh của bồ-tát. Từ hay khiến cho vui, bi hay dứt trừ khổ não.

20) Kinh nói: “Ra ơn giúp ngặt, khiến họ được an, bằng thấy kẻ khác giết hại, phải khởi lòng từ thương xót.”

21) Hết thảy chúng sanh đối với hai thứ tài, pháp, đa phần đều có chỗ thiếu thốn. Nên thấy chúng sanh khởi lòng tham lam lận tiếc, phá giới, sân giận, lười biếng, tán loạn, ngu si làm chướng ngại phải nên vì họ giảng nói bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ mà tế độ cho họ. Đem tài vật mà bố thí hay khiến cho thân được yên ổn, đem pháp lành bố thí hay khiến cho tâm được yên ổn.

22) Kệ rằng: “Đem tâm từ bố thí cứu giúp cho một người công đức lớn như đại địa. Vì ích kỷ riêng mình thì dầu bố thí cho tất cả được quả báo chỉ như hạt cải. Lại cứu giúp cho một người đang gặp ách nạn, lại trội hơn bố thí cho tất cả người khác.”

23) (Nếu mình vô tài lực) Thấy người khác sát sanh nên sanh lòng từ mẫn, thương cho kẻ đang sát sanh kia, tội khổ ắt sẽ đọa vào ba đường ác. Còn kẻ đương bị giết kia ắt đau đớn tột cùng. Ôi! nghiệp báo oan gia đã kết chặt đời này, sự báo thù trả vay, vay trả biết đến đời nào mới dứt. Quán xét như thế rồi ta liền phát nguyệnt: “Nguyện ta tu hành mau đắc được bồ-đề, thệ độ muôn loài thảy đều được giải thoát.”

24) Tội sát sanh khổ báo không lường, mà chịu tội khổ ấy biết khiếp nào mới hết. Ôi thật thảm thương.

25) Phật nói sát sanh có 10 tội:

i. Thường chứa độc trong tâm, đời đời không dứt.

ii. Người đời chán ghét, mắt chẳng muốn nhìn.

iii. Thâm thường niệm ác và nghĩ những việc ác.

iv. Chúng sanh thấy được sợ hãi như sợ hổ báo rắn rết

v. Khi ngủ hay giựt mình, lúc thức tâm chẳng được yên.

vi. Thường mơ thấy ác mộng,

vii. Khi mạng chung thường chết một cách ghê gớm

viii. Gây nghiệp nhơn chết yểu về đời sau

ix. Thân vừa hoại mạng chung liền đọa vào địa ngục

x. (Nếu tội trong địa ngục hết rồi) được sanh trở lại làm người thì thường chết yểu.

26) Những vật quý trọng như vàng bạc cho đến vật nhỏ như cây kim ngọn cỏ, người ta không cho thì mình chẳng được phép lấy.

27) Hoa Tụ bồ-tát nói: “tội ngũ nghịch và tội tứ trọng ta còn có thể cứu được, còn tội trộm lấy vật của chúng Tăng thì ta không thể cứu được.”

28) Từ trước nói lấy vật của thường trụ cho đến đây nói trốn thuế, dối đò v.v… phàm có lén lấy, đều liệt vào tội danh trộm cắp, tội này không thể sám hối.

29) Người xưa có câu: “Người không tốt không làm bạn, của phi nghĩa không lấy, của phi tài hại mình, lời nói ác hại người.” Ôi! kẻ thế Nho còn vậy, huống trang thích-tử coi vàng ngọc như sành sỏi, mà chẳng bằng hay sao!?

30) Kinh Lục Độ Tập rằng: hồi đời trước đức Phật còn làm người nghèo, ngài nói rằng: “ta thà giữ đạo nghèo hèn mà chết, chớ chẳng làm người vô đạo, giàu sang mà sống.”

31) Kinh Tăng Nhất A Hàm nói: Phật dạy các tỳ-kheo: “nếu ai trộm cắp vật của người ta, sau khi mạng chung, sanh trong địa-ngục lửa dữ thiêu thân, nước đồng sôi rót vào miệng, hoặc trụng chảo dầu, quang vào lò lửa, gươm dao đâm lụi, hấp nóng, bỏ chỗ dơ thối, cối xay nghiền nát, cối giã đâm nhừ. chịu đủ thức chua chát đau nhức không thể kể xiết. Chịu tội ở địa-ngục xong, kế sanh làm loài súc sanh trải qua trăm nghìn năm ra sức để đền bù nợ cho người.

32) Kinh Lăng Nghiêm nói: “bằng như các thế giới, chúng sanh trong sáu đường, tâm không dâm thì không dính líu theo dòng sanh tử, tâm dâm chẳng trừ thì trần lao không thể nào ra khỏi. Cho nên phải đoạn trừ động cơ dâm, cho đến thân và tâm chỗ đoạn cũng không, thì quả Phật bồ-đề mới mong khá được.”

33) Bồ-tát giữ giới-trọng cũng như giới-khinh luôn luôn kiên cố và kính trọng, không hề khác biệt. Bồ-tát còn như thế, huống chi bực thanh-văn mong thoát khỏi sanh tử.

34) Kinh Thập Giới nói: ” tuy dâm lung mà sống, chẳng bằng như trong sạch mà chết.”

35) Lời nói, hạnh làm tuy lành, nhưng không có thật tâm cũng chẳng phải là môn đồ của Thánh-nhơn vậy.

36) Bài ca lời tình đều là thứ khêu gợi lòng ái dục, làm tăng trưởng niềm bi ai cho người, (bài ca) khiến người nghe xiêu cảm lòng người, (lời tình) hay rù quyến tình dục cho người, làm thay đổi tánh thường của người, xao động tâm chí người, làm mất chánh niệm của người.

37) Miệng thốt những lời thô ác bất thiện, mạ nhục hủy báng người ta. Lửa sân một phen nổi lên, phừng miệng, đốt lòng, hại người trước mặt đau đớn như dao cắt, thật trái niệm từ của bồ-tát, cũng sát tâm lành kẻ xuất gia.

38) Thành Thật Luận nói: “lòng lành dạy bảo, tuy họ biệt ly, nhưng mình không mắc tội. Bằng đem lòng ác, xúi người đánh lộn, tức là hai lưỡi, mắc tội rất nặng đoạn trong ba đường ác, đời đời mắc quả bà con hung dữ và phá hoại gia đình. Là vì đời nay ta phá hoại gia đình bà con người nên mắc phải quả báo biệt ly.

39) Kinh Báo Ân, Phật bảo A-nan: “người sanh trong đời, họa từ miệng mà ra, phải gìn nơi miệng lắm hơn lửa dữ, vì lửa dữ bừng cháy đốt của thế gian, miệng dữ bừng cháy đốt “thất thánh tài.” (1. Chánh tín, 2.tinh tấn, 3. giữ giới, . biết hổ thẹn, 5. Ưa nghe Phật pháp và dứt trừ phiền não, 6. thiền định, 7. Trí huệ).

40) Khổng tử nói: “dấu sự tốt của người, gọi rằng che lấp người hiền, bày cái xấu của người ấy là đứa tiểu nhân.” Thái Công nói: “muốn so lường người ta, trước phải so mình, lời nói hại người, trở lại hại mình, ngậm máu phu người, miệng mình dơ trước.”

41) Kinh Vị Tằng Hữu nói: “vọng ngữ có hai. 1.- nặng & 2. nhẹ. Vì cớ muốn người cúng dường cho nên ngoài hiện hạnh tinh tấn, trong tâm làm việc tà trược, nói vọng với người rằng: ta đặng cảnh giới thiền định! hoặc nói thấy Phật, thấy trời, rồng, quỷ thần v.v… gọi là đại vọng ngữ. đọa vào A-tỳ địa ngục. Lại có người nói vọng, hay khiến chết người, phá hoại nhà người, hoặc trái lời kỳ hẹn, khiến người buồn giận, gọi là vọng ngữ bực hạ, đọa địa ngục nhỏ. Còn bao nhiều những việc nói chơi giỡn cười và như những việc lý đáng giấu, sự đáng cấm, có nói không, không nói có, – không phạm.

42) Còn các lời nói vọng vì cứu người nạn phương tiện chước khéo, từ bi lợi giúp ấy, – không phạm.

43) Tư Mã Ông là người hiếu thuận, trung tín, cung kiệm, chánh trực từ bé đến già chưa từng nói vọng ; cho nên ông thường nói: “đạo chí thành rất khó vào, song phải tự chẳng nói vọng làm trước.”

44) Kinh chép sự tích, “một Sa-di khinh cười một thầy tỳ-kheo già đọc kinh tiếng như chó sủa, mà tỳ-kheo già đó, là bực A-la-hán nhơn dạy ông Sa-di mau sám hối, xảy khỏi địa ngục, nhưng còn đọa làm thân chó.” Ôi! một lời nói dữ, mắc hại đến thế!

45) Kinh nói: “luận kẻ ở đời, búa ở trong miệng, sở dĩ chém mình là do lời nói ác.” Việc đáng chê lại khen, đáng khen lại chê, tự mình chuốc lấy sự khổ, quyết không có vui!

46) Luận Địa Trì nói: “tội vọng ngữ làm cho chúng sanh đọa ba đường ác, bằng sanh trong loài người, mắc hai món quả báo: 1.- hay bị người chê bai ; 2.- bị người lường gạt.

47) Phật nói: nếu ai y ta làm thầy, thì không được uống rượu và đừng cho người uống, đừng chứa để, cho đến không được lấy ngọn cỏ nhúng rượu rồi nhỏ vào trong miệng. trừ phi có bệnh nặng, lương y bảo phải lấy rượu làm thuốc, thời tạm quyền mở cho, chớ không phải ăn uống hoài hũy. Nếu không bệnh giả bệnh, bệnh nhẹ giả bệnh nặng, đều phạm.

48) Xưa có ông Ưu-bà-tắc nhơn phá giới rượu si mê bèn phá luôn các giới khá. Trong 36 lỗi, một phen uống rượu đủ hết, lỗi chẳng phải nhỏ vậy.

49) Kinh Tát-chi-ni-càn-tử nói: “rượu là gốc buông lung, muốn khỏi đường ác, đừng uống, thả bỏ trăm nghìn thân, chớ hủy phạm giới pháp. Thà khiến thân héo khô, trọn không uống rượu này, dầu cho tội hủy giới mạng sống đủ trăm năm, chẳng bằng giữ giới cấm, tức thời thân tiêu diệt.”

50) Kinh Phạm Võng nói: không mặc đồ tơ lụa hàng nhiễu phương Đông, và mang giầy, dép, cáo cừu, áo yết, cùng ăn vị “nhũ lạc đề hồ” này vậy. Tỳ-kheo như thế mới là chơn giải thoát, đối với đời khỏi nợ trước đền bù, mà phải trở lại tam-giới.

51) (Mặc áo thô) Chỉ vì dứt tâm mong cầu và đoạn niệm buông lung, ngõ hầu tấn tu đạo niệm.

52) Kẻ thiền giảng đời bây giờ nói mình là bực đại thừa không chấp sự tướng, lụa, the đua tốt, tranh tươi, tím tía, sanh đỏ giành màu, buông lung tình tham, thảy đều trái lời Phật dạy. Đâu chẳng nghe ông “Hoành Nhạc” mặc áo bàng cỏ ngại, đỡ gió sương. Ngài Thiên Thai 40 năm chỉ mặc một áo nạp. Ngài Vĩnh Gia không mặc áo miệng tầm. ông Kinh Khê mặc tấm áo vãi to. Bởi vì các ngài đây là người thâm hiểu lý đại-thừa, mới chuyên tu khổ hạnh như thế. Xin hãy xem chư vị Tổ đức mà chớ nhiễm thói tà. Vưng theo lời đức Phật để tu thân, xứng đáng trang Phật-tử vậy.

53) Xưa có vị Cao Tăng 30 năm mang một đôi giày, huống chúng phàm ư!?

54) Như Kinh đã nói: ngửi hoa còn có điểm bị Thần trách, huống chi mũi ngửi, thân thoa nhơ đức, khá chẳng răn dè ư!?

55) Xưa có ông tiên nhân nghe người nữ ca hát, âm thanh vi diệu liều mất thần túc, xem nghe còn mắc hại đến thế, huống tự mình làm ư!?

56) Kinh Pháp Hoa nói: hoặc cho người nổi nhạc đánh trống, thổi ốc, ống tiêu, ống địch, đờn không hầu, đờn tỳ-bà, cái náo, cái đồng bạt, các tiếng hay như vậy đều đem cúng dường các đức Phật, hoặc đem tâm hoan hỷ, ca vịnh khen công đức của đức Phật, nhẫn đến một tiếng nhỏ cũng được thành Phật. huống chi kinh nói: “cho người khác (cư sĩ) làm, rõ là không phải thầy sa-môn tự làm vậy” Kinh lại nói: “đem cúng dường đức Phật, rõ là không phải để tự vui cho mình” vậy.

57) Những chùa làm đạo tràng pháp sự của nhân gian họa may còn làm được. Nay ta vì đường sanh tử, bỏ tục xuất gia, đâu nên chẳng tu việc chính mà cầu học nghề âm nhạc cho hay.

58) Người có trí biết tiếng kia sanh diệt, trước chẳng chờ sau, sau chẳng kịp trước, thì dầu có tướng cũng như không tướng. Quan sát được như thế, thời mới khỏi đắm mê, những người như thế, dù âm nhạc chư Thiên, cũng chẳng loạn cho họ được huống chi tiếng của nhân loại.

59) Người xưa dùng cỏ làm đồ ngồi, đêm thì nằm dưới gốc cây. Nay ta có giường chõng cũng đã hơn xưa rồi, sao còn muốn công rộng buông lung vóc huyễn!?

60) Ngài Hiếp Tôn giả, một đời lưng chẳng đặt xuống chiếu. Tổ Cao Phong Diệu thiền sư nguyện đứng 3 năm chẳng nương giường chõng. Ngài Ngộ Đạt thọ tòa trầm hương còn tổn phước mà chiêu lấy quả báo. Than ôi! khá chẳng răn dè lắm ư!?

61) Thiền là tâm Phật, Luật là hạnh Phật. Đại-thừa, tiểu-thừa đồng học hết thảy. Có đâu tỏ ngộ tâm của Phật-tổ mà chê hạnh của Phật-tổ?

62) Giới luật phế bỏ đã lâu, nhất thời khó đem cải chánh trở lại, cho nên cổ đức quyền khai, chung đồ kỳ phục bổn dã!

63) Không nên chấp theo quyền-pháp mà bỏ thật-pháp, lấy đó làm phét tắc thường hoài. Y pháp chẳng y người mới phải là Phật-tử chánh kiến.

64) Kinh Xứ Xứ nói: Phật dạy sau giờ ngọ không ăn có năm việc phước (1) ít dâm, (2) ít ngủ, (3) được nhất tâm, (4) ít hạ phong, (5) thân được yên ổn lại chẳng sanh bệnh.

65) Thường phải quán sát thân này là gốc sanh, già, bệnh, chết. là nguồn các khổ, tự phải thâm trách, ngăn tình dục, sao lại buông lung ái căn kia, để tự tăng thêm gốc khổ cho mình!

66) Giới luật đều cần như chim hai cánh, bay liệng trời xanh gió Phò Diêu ở dưới muôn dặm, đâu không khoái ư!? Thoảng một phen vọng sanh tâm tà giải liền mắc vào cái chấp ngoan không, chê nhân-quả, tác tội tại tâm để rồi chung thân chịu khổ lụy.

67) Kẻ ăn “phải thời” tức là ruộng phước, tức là người xuất gia, tức là bạn lành của trời người, tức là vị Đạo sư cả cõi nhơn thiên.

68) Vàng bạc bảy báu đều làm tăng trưởng tâm tham ái của người, cho nên hư hại đạo nghiệp tu hành; tham là căn của ngạ-quỷ. Ái là gốc sanh-tử. Đức Như-lai ra đời vốn vì đoạn tuyệnt nguồn gốc sanh tử của chúng sanh, nên dạy xa lìa lợi đời, áo cơm, phòng nhà đã nhờ người thí chủ, cho nên chứa để vàng bạc cũng thành chỗ vô dụng.

69) Người đời nay, chẳng hay đều đi khất thực hoặc phải phương xa, khó tránh khỏi việc hao phí tiền bạc. Cố nhiên như vậy, nhưng phải biết trái lời Phật dạy, sanh tâm rất hổ thẹn. Nghĩ thương người nghèo khó, thường làm việc bố-thí. Không tham cầu, chẳng chất chứa, chẳng buôn bán và không dùng bảy báu để trang nghiêm y phục, khí cụ các vật v.v… họa may còn được được.

70) Kinh Thập Giới nói: “chớ nên chất chứa của báu nhơ, người cho không thọ, thọ thời đừng để, đem giúp người nghèo ngặt, và thường vì người nói đức bất-tham.” Bộ Nghiệp Sớ nói: nếu đem tâm tà và tham nhiễm ham lợi bán Pháp, lễ Phật, tụng Kinh, nhịn ăn, v.v… chỗ có được của cải đều là của bất chính để nuôi mạng sống. Thảy đều chỉ là làm tăng trưởng gốc tham ái, tạo thành cái nghiệp lậu hoặc luân hồi vậy.

71) Phật bảo các tỳ-kheo: nếu ta không giữ giới, sẽ đọa trong ba đường ác, còn chẳng được làm thân người hạ tiện. Huống chi giáo hóa thành thục chúng sanh, và gầy dựng nên cõi nước thanh tịnh của Phật, đầy đủ nhất thiết chủng trí.

(Bản Việt dịch lấy từ nguồn quanam.us)

>> Xem tiếp: Luật Yếu Tiết Lục - Quyển Hạ
<< Xem phần trước: Tịnh Nghiệp Học Nhân Tu Hành Ngũ Đại Khoa Mục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét